Những đóng góp thiết thực
Trong những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã giúp các ngành chức năng tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tham gia các CLB trợ giúp pháp lý ở các xã, thôn, bản; trực tiếp giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở; vận động quần chúng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử xấu...; cung cấp nhiều tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm; góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trong Nhân dân và thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, bản; nhiều vụ việc tranh chấp đất đai được hòa giải thành công tại cơ sở; không còn việc khiếu kiện vượt cấp; an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được giữ vững và ổn định.
Điển hình như ông Thông Khói, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm ở khu phố Ma Lâm 3, huyện Hàm Thuận Bắc. Ông Thông Khói không những đi đầu trong công tác vận động quần chúng Nhân dân mà còn thường xuyên phối hợp với Tổ an ninh nhân dân, vận động con cháu, gia đình, dòng họ ký cam kết phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục, tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Nhiều Người có uy tín người DTTS là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, động viên con cháu, đồng bào trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình kinh tế điển hình trong thực tiễn.
Điển hình có ông Man Mu, Người có uy tín xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh là hộ gia đình sản xuất giỏi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Man Mu cho biết: “Thấy bà con thiếu vốn sản xuất nhưng ngại vay vốn ngân hàng mà chủ yếu vay ngoài cho tiện rồi vướng vào tín dụng đen, lãi suất cao, ông đã đến từng nhà vận động các hộ đồng bào dân tộc trong thôn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã mua giống, vật tư sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.
Người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới; vận động đồng bào tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, phát triển và bảo tồn các ngành nghề truyền thống như: nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, đan lát; vận động lớp trẻ giữ gìn nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc, mặc trang phục truyền thống trong các sinh hoạt, lễ hội. Điển hình như ông K’ Bé - Người có uy tín xã Phan Sơn đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Cơ Ho. Ông đã cùng với các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc chọn một số bản sắc tiêu biểu của địa phương để tái tạo và phục dựng lại như Lễ hội Yô Vrê R’ Hê (đây là lễ hội lớn nhất của Lễ cúng thần lúa của người Cơ Ho).
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bình Thuận được Trung ương hỗ trợ xây dựng 2 nhà hỏa táng, đây là nội dung hoàn toàn mới khác với phong tục tập quán hỏa táng truyền thống của đồng bào. Vì vậy, vai trò của Người uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào đồng thuận rất to lớn. Theo ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình: “Để triển khai xây dựng nhà hỏa táng trên địa bàn huyện, Người có uy tín, các vị chức sắc cùng với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã phải là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền”.
Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, Người có uy tín đã tích cực tham gia giám sát chính quyền cơ sở, nhất là ở xã, thôn, bản trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, đề xuất với chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; vận động đồng bào tham gia thực hiện có kết quả các phong trào thi đua như phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.... Ngoài ra, Người có uy tín còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để xây dựng Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
Tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín
Nắm bắt được vai trò quan trọng của Người có uy tín, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin cho Người có uy tín, nhất là các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc để Người có uy tín phát huy vai trò trong công tác vận động, tuyên tuyền đồng bào tại địa phương chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh “Để phát huy vai trò của Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chế độ cho Người có uy tín theo Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho Người có uy tín; đưa Người uy tín đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa tại các tỉnh khác. Bằng những thông tin được nghe, thấy, Người có uy tín sẽ là nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền tại địa phương”.