Dẫn chúng tôi đến thực tế tại tuyến đường lâm nghiệp thôn Khuổi Khương đi khu vực Khuổi Đăm (thuộc xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn) với chiều dài gần 7km, chị Nông Thị Uyển, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Quan vui mừng chia sẻ: Khi biết được cấp trên bố trí nguồn vốn để thực hiện tuyến đường này, các cấp, ngành địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, tạo điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công triển khai thực hiện.
Tuyến đường rộng trung bình 4m với chiều dài gần 7km hoàn toàn do người dân hiến đất, trong đó có nhiều hộ hiến hàng nghìn mét đất ruộng, đất vườn đồi sản xuất, tiêu biểu như hộ: ông Hoàng Văn Hùng, Hoàng Văn Huân, Nông Xuân Ngọc, Hoàng Văn Tiên… Nhiều cây trồng trên đất cũng được các hộ chủ động thu dọn để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Được biết, thôn Khuổi Khương có gần 20 hộ dân, 100% số hộ đều là người DTTS, các hộ thuộc diện nghèo của xã, đời sống của đồng bào trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Mặc dù vậy, khi được tuyên truyền, vận động, người dân đều đồng tình ủng hộ việc hiến đất. Nay đường lớn đã mở, bà con mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện đầu tư các mô hình phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa phương nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh đất đai sẵn có.
Bà Phạm Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan cho biết: Tuyến đường Khuổi Khương được thi công từ cuối năm 2022, đến nay cơ bản đã xong phần mặt đường. Quá trình thực hiện, người dân vui vẻ hợp tác, phối hợp với đơn vị thi công kịp thời giải quyết. Tuyến đường hoàn thành giúp người dân khai thác thuận lợi gần 300ha rừng trồng chủ yếu là cây thông, keo. Nhiều diện tích rừng thông chuẩn bị cho khai thác trắng để bán gỗ, khi có đường vận chuyển chắc chắn sẽ nâng cao giá trị sản phẩm so với trước đây.
Theo số liệu thống kê, năm 2022 huyện Ngân Sơn đã được bố trí nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng để thực hiện tuyến đường lâm nghiệp tại các xã Hiệp Lực, Thuần Mang, Thượng Quan, Bằng Vân, Trung Hòa, Cốc Đán và thị trấn Nà Phặc. Do đặc thù nguồn vốn không có chi phí cho việc đền bù giải phóng mặt bằng nên cơ bản các tuyến đường được đầu tư đều do người dân hiến đất hoặc mở rộng trên nền đường cũ đã có từ trước
Ông Nguyễn Văn Duy, thôn Nà Sang, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cũng từng là một hộ nghèo ở địa phương. Với tư tưởng không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Duy đã nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình và vươn lên thoát nghèo. Không những vậy, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận thấy con đường giao thông nông thôn trước cửa gia đình mình chưa được bê tông hoá, ông đã tự nguyện phá bỏ tường rào, hiến đất để mở rộng lòng đường.
Ông Duy chia sẻ: “Con đường đi qua nhà tôi ngày trước rất bé, xe cộ đi lại tránh nhau khó khăn. Khi được cán bộ xã tuyên truyền về những lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2022, tôi đã tự nguyện cắt một phần đất của gia đình để mở đường. Đến đầu năm 2023, tôi tiếp tục hiến thêm một phần đất nữa để làm lề đường. Giờ đây, con đường được làm mới, đổ bê tông rộng gần 4m, xe cộ tránh nhau thoải mái, cảnh quan xanh - sạch - đẹp nên người dân ai cũng phấn khởi”.
Việc mở đường để phát triển sản xuất là chủ trương lớn của tỉnh. Tại Kỷ họp thứ XII của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn năm 2023, Nghị quyết quy hoạch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các đại biểu thông qua. Theo đó, Bắc Kạn xác định có 4 đột phá để phát triển kinh tế xã hội với các phương hướng, định hướng cụ thể. Trong đó, đột phá đầu tư hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc là một trong những nội dung trọng tâm, trọng điểm được tỉnh Bắc Kạn đề ra tại Nghị quyết.
Việc mở đường sản xuất tại các địa phương nhằm mục tiêu tăng khả năng cơ giới hóa giúp giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế rừng, tạo mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, đồng thời giúp công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khi có sự cố cháy xảy ra, góp phần phát triển rừng bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Nông Quang Nhất phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi được bà con Nhân dân đồng thuận trong các hoạt động xây dựng NTM. Nếu không có sự chung tay của người dân thì việc xây dựng NTM, làm đường cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy khi có chủ trương mở rộng các tuyến đường, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể; tổ chức họp chi bộ, ban công tác mặt trận để tuyên truyền vận động và lấy ý kiến người dân. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, người dân đều đồng thuận rất cao. Bà con nhiệt tình viết đơn tự nguyện hiến đất làm đường, tự tháo gỡ các hàng rào, cổng. Từ đó, việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, tạo điều kiện để tuyến đường được thi công nhanh chóng".
Đất đai là tài sản giá trị lớn, rõ ràng hiến đất là quyết định không hề dễ dàng khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, hơn thế nữa, việc cắt đi một phần đất đai cha ông để lại cũng là điều trăn trở của không ít người. Thế nhưng, ý thức được hiến đất làm đường xây dựng NTM là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân gia đình nên nhiều người dân tỉnh Bắc Kạn đã sẵn sàng chặt cây, nhường đất, phá bỏ công trình để làm đường giao thông. Sự đóng góp của người dân đã góp phần quan trọng giúp tỉnh Bắc Kạn mở rộng được nhiều tuyến đường giao thông vốn dĩ rất khó khăn trở nên rộng rãi, khang trang. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng hợp lòng dân, tin rằng phong trào hiến đất mở đường sẽ tiếp tục được lan tỏa trong mỗi người dân, sớm đưa nhiều địa phương của bắc Kạn đạt chuẩn NTM.