Nhằm hỗ trợ nhà ở giúp bà con “an cư lạc nghiệp”, không để hộ dân nào phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, năm 2023 UBND huyện Lục Ngạn đã phê duyệt 121 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng nhà ở là các hộ nghèo sinh sống tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn; hộ nghèo người dân tộc thiểu số tại vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện. Định mức hỗ trợ tối đa trên 01 hộ là 44 triệu đồng. Đến nay huyện đã hỗ trợ xong 14 hộ, đã khởi công 17 hộ, 90 hộ đang trong quá trình triển khai.
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, anh Giáp Văn Mạnh (trú tại thôn Xạ Nhỏ, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn) cùng người thân vẫn còn ngỡ như vừa trải qua một giấc mơ.
Trước đó, gia đình anh Mạnh đã phải sống trông căn nhà tạm bợ được dựng cách đây 15 năm. Mặc dù căn nhà đã xuống cấp nhiều năm, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng bạc màu, công việc làm thêm thì bấp bênh nay có mai không, nên vợ chồng anh Mạnh không dám mơ ước về một ngôi nhà mới.
Cách đây không lâu, khi biết nhà nước có chính sách xét duyệt, hỗ trợ các gia đình thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS về xây dựng nhà ở, anh Mạnh và người thân cũng có tâm trạng thấp thỏm. Và khi nắm được thông tin, gia đình nằm trong diện được hỗ trợ làm nhà, cả nhà anh Mạnh đều vui mừng khôn xiết. Cùng với số tiền được Nhà nước hỗ trợ, cộng thêm huy động vay mượn từ bố mẹ, anh chị em trong nhà, cuối cùng căn nhà mới khang trang của gia đình anh Mạnh cũng hoàn thành để kịp đón tết.
Anh Mạnh xúc động chia sẻ "Tới giờ, tôi vẫn chưa dám tin đây là sự thật. Vậy là từ nay trở đi, gia đình tôi đã có căn nhà mới để an cư, sẽ không còn nỗi lo nhà dột, sập mỗi khi mùa mưa bão ập tới. Con cái của vợ chồng tôi theo đó cũng sẽ yên tâm học hành hơn. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ cố gắng bảo ban nhau, tu chí làm ăn để từng bước trả bớt nợ tiền xây nhà, dần ổn định cuộc sống”.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Lĩnh (trú tại thôn Xạ To, xã Đèo Gia), sau khi được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, cũng đã mạnh dạn vay mượn thêm anh em họ hàng, cộng thêm tiền tích luỹ của gia đình để xây dựng ngôi nhà mới. Giờ đây, 4 người trong gia đình anh Lĩnh đã được ở trong một ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Chứng kiến sự vươn lên của anh Lĩnh và người thân, bà con lối xóm đều cảm thấy khâm phục và vui lây.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đèo Gia (huyện Lục Ngạn) cho biết: "Trong những năm qua việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Bên cạnh đó xã thường xuyên vận động bà con nhân dân cùng nhau hỗ trợ ngày công giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yên tâm chăm lo sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn để các hộ gia đình cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống".
Cũng như gia đình anh Mạnh, anh Lĩnh, trước đây, gia đình anh Lý Văn Khang (SN 1978, đồng bào dân tộc Tày, trú tại thôn Dùm, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam) phải sinh sống trong một ngôi nhà cấp 4 dột nát, xây dựng từ những năm 90. Điều đáng nói, anh Khang mắc bệnh nên sức khoẻ yếu, không thể làm những việc nặng. Do vậy, gánh nặng kinh tế gia đình đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của vợ anh. Chính vì vậy, gia đình anh cũng không dám mơ một ngày nào đó sẽ xây dựng được ngôi nhà mới.
Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, cuối năm 2022, gia đình anh Khang được hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi để cải tạo nhà ở. “Từ số tiền này, gia đình tôi đã thay được mái ngói mới, gia cố tường, lát nền nhà và quét vôi, ve toàn bộ ngôi nhà. Giờ đây mỗi khi mùa mưa bão đến, cả gia đình không còn phải nơm nớp lo ngôi nhà bị sập. Nhìn thấy niềm vui ánh lên trong đôi mắt của vợ con, tôi cũng yên tâm hơn để điều trị bệnh và hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo”, anh Khang xúc động bộc bạch.
Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 giảm hơn 3% tỷ lệ hộ nghèo người DTTS/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Giang đã dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 10 dự án (Trong đó có hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ 884 hộ nghèo người DTTS, hộ người Kinh nghèo sống tại vùng đặc biệt khó khăn cải tạo nhà ở).
Ngoài nguồn lực của trung ương, tỉnh, cũng như các huyện đều có những giải pháp phù hợp tiếp sức cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi từng bước tự vươn lên để giảm nghèo bền vững.
Theo ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, các chính sách dân tộc được triển khai như làn gió mới đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo động lực để các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so với các địa bàn khác, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (từ năm 2021 - 2025), phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ông Vi Thanh Quyền đề nghị các huyện phối hợp chặt chẽ với Ban triển khai thực hiện hiệu quả chương trình. Quan tâm rà soát các Dự án, Tiểu dự án thành phần, bảo đảm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định, phát huy được hiệu quả chính sách dân tộc một cách cao nhất. Với các khó khăn, vướng mắc, Ban sẽ chủ động phối hợp tháo gỡ, từ đó, tối ưu hóa các giải pháp triển khai cụ thể từng Dự án, Tiểu dự án, qua đó góp phần khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là đồng bào DTTS tại các huyện miền núi.
Có thể nói, với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền, tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi an cư, để từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.