Dự án liên kết trồng cây hoài sơn giữa các hộ dân với Hợp tác xã dược liệu Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh)Đánh thức tiềm năng cây dược liệu
Theo Khảo sát của Hội Đông y tỉnh Yên Bái, đất đai và khí hậu của địa phương này rất phù hợp với các loài cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh được phân thành 11 nhóm thuốc; trong đó có một số loại cây dược liệu quý có giá trị cao, như hoàng liên chân gà, tam thất vũ diệp, tiết trúc sâm, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, nấm tỏa dương, thổ phục linh, trà hoa vàng, khôi tía, sơn tra, thảo quả, quế…
Để phát triển cây dược liệu, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách như quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái; ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiếm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao; phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân...
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như quế trên 70.000ha, sơn tra trên 8.000ha, thảo quả 1.300ha. Ngoài ra toàn tỉnh Yên Bái có trên 3.400ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm. Trong số đó, sa nhân, sả, gừng, nghệ, lá khôi tía là các sản phẩm dược liệu có tiềm năng trở thành hàng hóa với quy mô lớn.
Ở thành phố Huế, huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025. Toàn huyện có trên 75% dân số là đồng bào DTTS, địa hình lắm núi nhiều dốc khiến A Lưới khó chồng thêm khó. Nhưng, chính địa hình đó đã tạo ra một A Lưới thành một tiểu vùng khí hậu đặc trưng với nền nhiệt mát mẻ, đất đai màu mỡ, có nhiều lợi thế để phát triển nghề trồng cây dược liệu.
Trên thực tế, đồng bào các DTTS ở A Lưới cũng đã phát huy lợi thế này trồng các loại cây như sâm bố chính, cà gai leo, gừng gió, thiên niên kiện… Những loại cây này đã và đang trở thành cây chủ lực để đồng bào các DTTS ở A Lưới thoát nghèo bền vững. Đặc biệt kể từ khi triển khai Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Để phát triển tiềm năng cây dược liệu, UBND huyện A Lưới đã quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào DTTS theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021 - 2025. Dự án trồng cây dược liệu quý này nằm trong Chương trình MTQG 1719 có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng.
Sâm Bố Chính là loại cây dược liệu quý đang được trồng nhiều ở Huế
Để phát triển tiềm năng cây dược liệu, UBND huyện A Lưới đã quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào DTTS theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021 - 2025. Dự án trồng cây dược liệu quý này nằm trong Chương trình MTQG 1719 có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng.
Phát huy tiềm năng lợi thế để hướng tới giảm nghèo bèn vững
Theo thống kê, ở Huế có hơn 1.600 loài cây dược liệu, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Với những tiềm năng vốn có, thời gian qua, đồng bào DTTS đã tận dụng các vùng đất hoang hóa, đầu tư phát triển cây dược liệu, bước đầu có những kết quả khả quan, cung cấp nguyên liệu cho thị trường, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới phát triển dược liệu là một chủ trương lớn, tỉnh và huyện ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này. Trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành dự án phát triển vùng dược liệu cho A Lưới.
Còn với Yên Bái, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách phát triển cây dược liệu, như hỗ trợ đầu tư cho khoa học, công nghệ; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư, thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; khuyến khích trồng bổ sung, cải tạo, thay thế diện tích cây dược liệu hằng năm, cây lâu năm đã thu hoạch để duy trì ổn định diện tích, sản lượng.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học công nghệ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Tại An Giang, để phát triển ngành dược liệu, tỉnh đã triển khai các giải pháp phát triển ngành hàng dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với bảo tồn các nguồn gen đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế và quảng bá, phát triển du lịch, nhất là vùng Bảy Núi.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, An Giang sẽ nhân rộng mô hình thí điểm phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch dược liệu, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu. Duy trì và phát triển vùng dược liệu trồng với quy mô phấn đấu 1.000ha tại huyện Tri Tôn, Thị xã Tịnh Biên đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh, như: Ba kích, Chúc, Dó bầu, Đinh lăng, Huyền tinh, Hồng quân, Kim ngân Hoa, Ngải đen, Nấm linh chi đỏ, Nho rừng, Ngãi bún, các loại sâm, Xạ đen, Xáo tam phân và các loại dược liệu do doanh nghiệp đề xuất liên kết. Đồng thời, phát triển ít nhất 1 - 2 thương hiệu sản phẩm dược liệu OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) có nguồn gốc từ vùng Bảy Núi. Xây dựng các câu chuyện lịch sử vùng đất và con người An Giang gắn với dược liệu Bảy núi và du lịch sinh thái - tâm linh vùng Thất Sơn…
Cùng với những chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu của mỗi địa phương, Chương trình MTQG 1719 sẽ là đòn bẩy, khắc phục được những khó khăn, thách thức hiện có… để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của cây dược liệu vùng đồng bào DTTS và miền núi. Khi đó, sinh kế của bà con sẽ càng bền vững hơn.