Những năm trở lại đây, Cao Bằng đang mở cửa hội nhập với các vùng trong cả nước và hội nhập với thế giới. Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới, Cao Bằng đang “thay da, đổi thịt” trong khí thế của đổi mới, hội nhập với bạn bè thế giới và khu vực. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang đối mặt với những khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh. Để giải quyết tận gốc những vấn đề đó, không thể không tính đến khía cạnh tác động của yếu tố tâm lý, tính cách của các DTTS.
Qua khảo sát, những nét tính cách được đánh giá cao nhất của một số DTTS ở tỉnh Cao Bằng nói riêng và một số tỉnh trong khu vực Đông Bắc nói chung là sự cần cù, chịu khó, thật thà, thân thiện, dễ gần. Có thể nói, đây là những nét tính cách có nhiều ảnh hưởng tích cực đến quá trình mở cửa hội nhập ASEAN của các DTTS.
Chính cuộc sống khó khăn, gắn kết với thiên nhiên và cố kết cộng đồng đã hình thành ở hầu hết đồng bào các DTTS tính cách cần cù, chịu khó. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp thuần túy, nương rẫy với các công cụ sản xuất thô sơ (cày, bừa, cuốc...) nên năng suất lao động thấp cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tính cách cần cù, chịu khó ở đồng bào DTTS. Với nét tính cách ấy, khi thực hiện nền kinh tế hàng hóa, khi hội nhập với thị trường chung ASEAN, nếu được phát huy sẽ là một đòn bẩy, yếu tố quan trọng, cần thiết tạo nên sự thành công của quá trình sản xuất hàng hóa, hiệu quả của quá trình gia nhập thị trường các nước ASEAN.
Thật thà được xếp thứ hai sau đức tính cần cù, chịu khó ở đồng bào các DTTS. Một số nhà nghiên cứu nhận xét rằng: “Thật thà là bản chất của các DTTS ở Cao Bằng và khu vực Đông Bắc”. Đức tính thật thà là sản phẩm của nền kinh tế tự cấp, tự túc, của nền kinh tế hái lượm… từ đời này qua đời khác của đồng bào DTTS.
Hầu hết, bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam nói chung, Cao Bằng nói riêng đều rất ấn tượng và đánh giá cao sự thật thà, thân thiện, dễ gần. Những đức tính ấy sẽ là sức mạnh để kết nối, lưu giữ và là hình ảnh đẹp đầu tiên khi bạn bè quốc tế đến với các vùng đồng bào DTTS. Đây là một lợi thế để thu hút bạn bè quốc tế đến với Cao Bằng, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập của các DTTS nhanh hơn. Những đức tính thật thà, thân thiện, dễ gần của đồng bào DTTS góp phần tạo nên sự bền vững trong quan hệ với bạn bè quốc tế trong quá trình hội nhập ASEAN.
Qua khảo sát cho thấy, những nét tính cách được đánh giá thấp trong quá trình hội nhập của các DTTS là khôn ngoan, tiết kiệm, năng động, nhạy bén, nhanh nhẹn, ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Những nét tính cách cần thiết cho sự phát triển sản xuất hàng hóa và hội nhập quốc tế lại được đánh giá thấp, nên việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, quá trình hội nhập của Cao Bằng còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Khi đất nước ta chuyển sang cơ chế thị trường và thực hiện mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng các DTTS tập trung, chú trọng sản xuất hàng hóa nhằm thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc thì một số tính cách như: Năng động, nhạy bén, nhanh nhẹn, ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo là rất cần thiết trong nhận thức và cuộc sống đối với các DTTS. Đây chính là những phẩm chất, tính cách mới do xu thế hội nhập đặt ra; sẽ mất nhiều thời gian mới có thể hình thành được trong đồng bào DTTS.
Ngoài ra, phần lớn các DTTS đều sống ở khu vực đồi núi, như: Người Tày, Nùng sống ở vùng thấp hơn thì phần lớn cũng ở các thung lũng, ven suối; người Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… sống ở trên cao địa hình đồi dốc, hiểm trở. Với điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên từ bao đời nay đã tạo ra cuộc sống khép kín, tự cấp, tự túc của đồng bào các DTTS từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tính khép kín, ít giao tiếp trong dòng họ, bản làng làm cho đồng bào các DTTS thiếu sự nhanh nhẹn, năng động, linh hoạt, nhạy bén.
Điều đó kìm hãm các quan hệ trao đổi, giao lưu, hợp tác, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi thúc đẩy quan hệ thị trường và hội nhập. Đồng thời, đó cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm việc ứng dụng các tri thức khoa học vào sản xuất cũng như tổ chức đời sống xã hội. Do vậy, khi nước ta phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập thì những nét tính cách đó sẽ là một rào cản đối với nền kinh tế hàng hóa và hội nhập với thế giới bên ngoài.
Cuộc sống từ bao đời nay của đồng bào các DTTS chủ yếu sống dựa vào tự nhiên, bằng hái lượm, săn bắn trong rừng. Vì vậy, sẽ khó hình thành nên tính cách tiết kiệm, bởi vì cứ hết cái gì đồng bào vào rừng tìm kiếm là có cái đó. Tính cách này có thể phù hợp với trước kia, nhưng hiện nay khi tài nguyên rừng không còn phong phú, bà con sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương mở cửa hội nhập, những vùng đồng bào DTTS sẽ được đón nhận sự giúp đỡ, viện trợ, đầu tư từ nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, theo đó, tính cách tiết kiệm mà không được hình thành, phát huy thì đồng bào DTTS sẽ không thể vươn lên thoát nghèo.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, nếu các DTTS vẫn chưa thực sự chủ động thích ứng với mô hình sản xuất hàng hóa, với quá trình mở cửa hội nhập, thậm chí có nhiều nơi, có những lúc họ còn quay lưng lại với hội nhập, với mở cửa buôn bán, giao thương với bên ngoài cộng đồng dân tộc mình đang sinh sống, sẽ là trở lực rất lớn làm cản bước tiến trong quá trình hội nhập ASEAN của cộng đồng các DTTS ở Cao Bằng nói riêng và khu vực Đông Bắc nói chung.