Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Ấn tượng nhà rông của người Giẻ Triêng

PV - 10:54, 09/04/2021

Cùng được làm từ vật liệu (gỗ, tranh, tre, mây…) có trong tự nhiên như nhà rông của các DTTS khác, nhưng nơi giữ hồn làng của người Giẻ Triêng lại mang nét độc đáo riêng nhờ lối kiến trúc và tâm linh liên quan đến con trâu.

Tổ chức các sự kiện văn hóa ở nhà rông Đăk Răng. Ảnh: Quang Vinh
Tổ chức các sự kiện văn hóa ở nhà rông Đăk Răng. Ảnh: Quang Vinh

Với bất kỳ cộng đồng làng nào của người Giẻ Triêng, trước tiên, nhà rông cũng được chọn dựng ở cuối làng; thể hiện sự kín đáo, khiêm nhường, song vẫn mang tính “bao trùm”. Từ đây có thể quan sát toàn bộ khu dân cư. Đây cũng chính là nơi mọi người cùng hướng về. Nhà rông được chọn làm trên khu đất bằng phẳng, rộng rãi, bốn bề thông thoáng, với toàn bộ vật liệu đều được lấy trong tự nhiên. Phía trước là khoảng sân lớn để có thể tập trung đông người.

Với người Giẻ Triêng, trâu không phải là công cụ sản xuất, cũng không được dùng làm thực phẩm. Trâu là vật thiêng, dâng cúng thần linh, thể hiện sự trân trọng, tôn kính với đấng tối cao. Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa trang trọng này, nên từ xa xưa, nhà rông của người Giẻ Triêng đã mang biểu tượng con trâu.

Nhìn tổng thể theo hướng chính diện, dù kích thước lớn - nhỏ khác nhau, nhưng nhà rông của người Giẻ Triêng đều mang dáng dấp con trâu nằm ngang. Trong đó, hai đầu mái cao của nhà rông có hình hai chiếc sừng trâu. Đỉnh mái như xương sống vững chãi của trâu, kéo xuống phần mái nhà rông tương ứng như hai bên hông của trâu với các lớp xương sườn hòa hợp. Không chỉ có thế, cách bài trí, trưng bày bên trong nhà rông cũng có nhiều yếu tố gắn với con trâu. 

Trước hết, trong cấu trúc nhà rông, bên cạnh các hoa văn trang trí trên khung chính phía cửa ra vào, không thể thiếu những hình cắt gọt gỗ mang biểu tượng sừng trâu. Sau mỗi lần tổ chức lễ “ăn trâu” của dân làng, đầu trâu (hay là sừng trâu) được chọn treo trong nhà rông. Nhà rông cũng là nơi treo những chiếc trống lớn, cất giữ cồng chiêng và trưng bày các nhạc cụ dân tộc của làng.

Nhà rông của người Giẻ Triêng được dựng lên trên giàn cột gỗ vững chãi, thường gồm 10 cột chính bằng cây sao xanh, cà chít, hoặc một số loại cây bền chắc, có khả năng chống chịu mối, mọt. Đáng chú ý, là những cột chính của nhà được đẽo tròn từ mặt đất lên đến sàn nhà rông, song từ sàn lên đến phần khung mái lại có hình chữ nhật.

Theo thiết kế đặc trưng hình lưng trâu, nên mái nhà rông của người Giẻ Triêng hình vòm. Ở hai bên chái nhà rông còn có 3 - 5 cột tròn được dựng thẳng từ mặt đất lên đến mái. Hai bên chái nhà rông được thiết kế theo kết cấu hình rẻ quạt đặc trưng và được lợp tranh theo khung lượn tròn tinh tế, đẹp mắt; khác với cắt góc vuông vắn như nhà rông có mái hình lưới rìu của các dân tộc khác.

Cửa nhà rông của người Giẻ Triêng thường được mở về hai bên chính diện. Trên mỗi cửa ra vào cũng có biểu tượng của sừng trâu và đầu heo rừng - tượng trưng cho vật hiến tế thần linh.

Về thi công nhà rông của người Giẻ Triêng, có một nét độc đáo đáng chú ý là hệ thống cột, kèo được xử lý kết nối với nhau bằng các mộng gỗ và bằng những sợi mây rừng không chỉ bền chắc mà còn mang tính thẩm mỹ cao nhờ các nút thắt hình bông hoa, mạng nhện.

Là biểu tượng sức mạnh và tâm linh của dân làng, nên từ xưa, nhà rông của người Giẻ Triêng đã được dựng lên bằng tất cả sức lực, tâm huyết của cả cộng đồng. Để đáp ứng yêu cầu như là một pháo đài kiên cố bảo vệ dân làng, nhà rông đã được tính toán kỹ lưỡng.

Mái được lợp bằng nhiều lớp tranh không chỉ để che nắng, che mưa mà còn có tác dụng che chắn cho người dân ở bên trong nếu kẻ địch bắn tên hoặc phóng lao vào nhà rông. Vách nhà rông được làm bằng những tấm phên tre, song theo truyền thống, ở phía trong nhà rông, mỗi bức vách đều được dựng những tấm gỗ lớn, dày, cao quá đầu người ngồi, có tác dụng che chắn cho người ngồi bên trong nếu kẻ thù dùng mũi tên bắn vào nhà rông. Trụ gỗ cách mặt đất từ 1m đến 1,5 m nhằm tránh thú dữ tấn công cũng như tránh nước lũ làm ngập sàn nhà rông. Sàn bằng gỗ hay phên tre cũng được gọt chẻ (hoặc đập dập) bền chắc.

Là biểu tượng sức mạnh và tâm linh của dân làng, nên dựng nhà rông luôn là việc rất hệ trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng. Theo ông Kring Ban ở làng Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, trước khi khởi công làm (hay tu sửa) nhà rông vào sau thu hoạch lúa rẫy hàng năm, bà con đã phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết. Thời điểm khởi công dựng nhà rông được già làng chọn, thường vào kỳ trăng tròn. Lễ “khởi công” không cầu kỳ, nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh của cộng đồng. Ngày xưa, người già trong làng có tục chôn đá mài dưới đất để “tìm may” trước khi dựng nhà rông, nhưng sau này, việc “chọn ngày” đã thoáng hơn nhiều.

“Trước khi dựng nhà rông, già làng nghe ngóng, xem có điềm báo gì, xem có bình yên không. Nếu không nghe con mang, con thú kêu, đó là ngày tốt, chọn làm…” - già làng Brol Vẻ ở Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ. Lễ vật xin dựng nhà rông đơn giản nhất chỉ gồm muối, con gà và khấn cầu thần linh phù hộ cho việc dựng nhà rông suôn sẻ, thuận lợi.

Đồng bào Giẻ Triêng làm lễ hội rất lớn để khánh thành nhà rông. Dân làng dựng cây nêu và ăn trâu tạ ơn Giàng, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ dân làng làm được nhà rông đẹp đẽ, kiên cố.

Trước đây, mỗi làng Giẻ Triêng thường có hai nhà rông. Nhà rông của đàn ông (có biểu tượng sừng trâu trên mái) được làm lớn, là nơi tổ chức các hoạt động chính của làng. Nhà rông dành cho phụ nữ (không mang biểu tượng sừng) nhỏ, thấp hơn. Theo thời gian, các làng Giẻ Triêng ngày nay chỉ còn một nhà rông chung, là nơi hội tụ, gửi gắm và sẻ chia tâm tư, tình cảm của mọi người. Đặc biệt, mang biểu tượng con trâu, nên đến nay, các nhà rông này cơ bản vẫn được giữ nguyên nét đẹp truyền thống, chưa bị “tôn hóa”, “xi măng hóa”.

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Hết chá - Di sản văn hóa của người Thái trắng ở Sơn La

Lễ hội Hết chá - Di sản văn hóa của người Thái trắng ở Sơn La

Vào dịp tháng 3 hằng năm, khi hoa mạ nở vàng, hoa ban nở trắng núi rừng, người Thái trắng ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại rộn ràng vui Lễ hội Hết Chá. Lễ hội Hết Chá là phong tục tín ngưỡng tâm linh độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái trắng nơi rẻo cao Tây Bắc.
Tin nổi bật trang chủ
Khám phá lịch sử và văn hóa trà

Khám phá lịch sử và văn hóa trà

Media - BDT - 23:10, 03/04/2025
Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin sáng ngày 3/4, có những thông tin đáng chú ý sau: Khám phá lịch sử và văn hóa trà. Quần thể di tích chùa Hương. Canh tác cà phê thông minh. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Vàng xanh” nơi miền Tây xứ Nghệ

“Vàng xanh” nơi miền Tây xứ Nghệ

Media - BDT - 23:01, 03/04/2025
Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin chiều nay ngày 3/4, có những thông tin đáng chú ý sau: Lễ hội truyền thống chùa Thầy. Côn Sơn - Kiếp Bạc ngàn năm vang vọng. “Vàng xanh” nơi miền Tây xứ Nghệ. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hát Xoan làng cổ

Hát Xoan làng cổ

Media - BDT - 22:52, 03/04/2025
Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin chiều nay ngày 2/4, có những thông tin đáng chú ý sau: Hát Xoan làng cổ. Thánh đường hơn 100 năm tuổi ở Tiền Giang. Người “thắp lửa” Then ở Phú Cường. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Quảng Ngãi: Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh

Quảng Ngãi: Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi sự kinh doanh

Kinh tế - Bùi Khôi Nguyên - 22:42, 03/04/2025
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhiều sản phẩm đặc thù địa phương. Với trợ lực từ các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi để thanh niên mạnh dạn khởi sự kinh doanh.
Đẩy nhanh giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719

Đẩy nhanh giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719

Công tác Dân tộc - Thúy Hồng - 22:40, 03/04/2025
Năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương thì các địa phương cần linh hoạt, chủ động trong triển khai thực hiện các dự án thành phần.
Lễ hội bắt cá Nặm Đăm

Lễ hội bắt cá Nặm Đăm

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển. Bản tin chiều nay ngày 1/4, có những thông tin đáng chú ý sau: Tái hiện không gian Chợ phiên vùng cao tại Hà Nội. Lễ hội bắt cá Nặm Đăm. Tâm huyết giữ nghề truyền thống. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đảng bộ Phòng Tham mưu, BĐBP TP. Hồ Chí Minh: Nhiều kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đảng bộ Phòng Tham mưu, BĐBP TP. Hồ Chí Minh: Nhiều kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Trang địa phương - Tào Đạt - Mai Lan - 22:39, 03/04/2025
Ngày 3/4, Đảng bộ Phòng Tham mưu, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP. Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đại tá Trần Thanh Đức - Thành ủy viên, Chỉ huy trưởng BĐBP TP. Hồ Chí Minh tham dự, phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Diện mạo mới trên vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng

Diện mạo mới trên vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng

Dân tộc - Tôn giáo - Minh Thu - 22:37, 03/04/2025
Sau gần bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Khánh thành, bàn giao nhà ở nội trú cho giáo viên tại bản Rào Con

Khánh thành, bàn giao nhà ở nội trú cho giáo viên tại bản Rào Con

Nhịp cầu nhân ái - Khánh Ngân - 22:35, 03/04/2025
Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị tài trợ đã tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng nhà nội trú cho giáo viên điểm trường bản Rào Con, thuộc Trường Tiểu học số 2 Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình).
Bộ Công an bàn giao kinh phí xây dựng 700 căn nhà tặng hộ nghèo, cận nghèo tại Bạc Liêu

Bộ Công an bàn giao kinh phí xây dựng 700 căn nhà tặng hộ nghèo, cận nghèo tại Bạc Liêu

Xã hội - Tào Đạt - Như Tâm - 22:33, 03/04/2025
Năm 2025, Bộ Công an đồng hành, hỗ trợ cùng tỉnh Bạc Liêu xây dựng 700 căn nhà tặng hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền 42 tỷ đồng.
Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang thăm, chúc Tết Chôl Chnam Thmây 2025

Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang thăm, chúc Tết Chôl Chnam Thmây 2025

Tin tức - Tào Đạt - Như Tâm - 22:31, 03/04/2025
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây 2025 của đồng bào Khmer, Ban Thường vụ Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang (ĐKSSYN) do hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Thường trực Hội, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh Kiên Giang, làm trưởng đoàn, đã đến thăm và chúc mừng một số ban ngành, tổ chức trên địa bàn tỉnh có cán bộ, công nhân, viên chức người dân tộc Khmer làm việc.