Theo già làng nơi đây kể lại, xưa kia sau thu hoạch được một ngàn gùi lúa thì lễ hội mới được tổ chức để tạ ơn Yàng đã mang tới mùa màng no ấm và cầu cho dân làng được no đủ ở các mùa sau. Đây là ngày vui của cả buôn làng người Mạ. Trong đó nghi thức “ăn trâu” là một phần quan trọng, không thể thiếu trong lễ hội.
Lễ hội “Ăn trâu cúng thần được một ngàn gùi lúa” gồm có 3 nghi lễ: Lễ “ăn heo hẹn Yàng” mang ý nghĩa xin phép các vị thần cho phép được tổ chức lễ đâm trâu; lễ dựng cây nêu và nghi lễ “ăn trâu” (đâm trâu). Người Mạ bắt đầu lễ hội bằng nghi thức đón khách. Máu gà được bột gạo và rượu là những thứ không thể thiếu trong nghi thức này với ý nghĩa xua đuổi tà ma, tránh xui xẻo cho dân làng, vừa là những lễ vật để mời khách trong ngày cúng Yàng.Trong suốt buổi tối, người dân và khách ở xa sẽ cùng nhau đánh cồng chiêng, nhảy múa, ca hát. Sáng sớm hôm sau, cả làng tập trung tại nhà dài, sau khi già làng đọc lời khóc trâu, nghi thức “ăn trâu” được tiến hành. Già làng là người uy tín trong cộng đồng sẽ đứng ra thực hiện nghi thức này, sau đó một chàng trai ưu tú của làng sẽ đứng ra tiến hành nghi lễ đâm trâu.
Nghi thức kết thúc khi già làng đem chiêng và tấm thổ cẩm trắng tới chia của cho trâu (vật hiến tế) để về với Yàng (trời). Sau đó trâu được xẻ thịt để chia đều cho các thôn để cùng vui hội.
Bên cạnh nghi lễ cúng, lễ hội cũng diễn ra các hoạt động diễn xướng cồng chiêng, ca múa giao lưu giữa các thôn của người Mạ. Ngoài ra còn có các hoạt động ẩm thực, dệt thổ cẩm, thi đan gùi, giã gạo, các trò chơi dân gian cũng được tổ chức.
Lễ hội “ăn trâu” của người Mạ bị lãng quên trong một thời gian khá dài, đến tháng 11/2015, lễ hội này đã được Trung tâm Văn hóa huyện Cát Tiên phục dựng lại tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng nhằm giúp đồng bào Mạ bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.