Nhà ông K’Rền ở buôn Bờ Đăng hiện được xem là căn nhà đặc trưng nhất của kiểu nhà dài ở xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) còn hiện hữu. Căn nhà được làm từ năm 2001, ban đầu chỉ có 2 bếp nhưng tới nay đã được nối dài thành 5 căn bếp với 14 người cùng sinh sống.
Chủ nhân ngôi nhà giải thích: “Ta có em gái ở một bếp, hai con trai có gia đình mỗi đứa một bếp, em rể ta một bếp. Nhà phải nối dài sau mỗi lần có đứa lập gia đình”. Mô tả của lão nông dân người Mạ đã lý giải kiểu cư trú có thể khái quát như thế này: Khởi nguyên, cả buôn làng đông đúc người Mạ Ngăn tới hàng trăm người chỉ cư trú trong dăm bảy căn nhà dài. Mỗi nhà là một dòng họ hay một đại gia đình nhiều thế hệ.
Trong căn nhà mái dài có thể có tới cả chục cái bếp-cả chục gia đình cùng sinh sống. Mỗi gia đình tự chủ về mặt lương thực và là một thành tố độc lập trong nhà dài. Điều độc đáo nhất giữa các gia đình trong ngôi nhà dài là không hề có sự ngăn cách về mặt không gian sinh hoạt. Các tiểu gia đình nhóm bếp sát cạnh nhau và có thể với tay đến nhau khi ngủ. Nhưng trong những căn nhà của người Mạ đông đúc đó chưa bao giờ xảy ra sự chia rẽ, mất đoàn kết hay những biểu hiện tiêu cực khác về tình cảm gia đình.
Hiện nay, nguy cơ mất hẳn văn hóa nhà dài đang làm đau đầu các nhà quản lý văn hóa. Theo thống kê của ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng, hiện tại vùng Lộc Bắc-là địa bàn cư trú tập trung của người Mạ tại Lâm Đồng-chỉ còn 1 ngôi nhà dài truyền thống của nhiều thế hệ gia đình ông K’rền. Nhưng ngôi nhà dài duy nhất còn lại này không được các chủ nhân đầu tư tu sửa nên cũng đã xuống cấp, không an toàn về mặt sức khỏe cho hơn chục con người sống trong đó.
Cuộc sống hiện đại, xu thế gia đình “gọn nhẹ”, ít phả hệ đã vượt rừng vào tận các buôn làng Mạ. Thực trạng này cũng đã diễn ra từ lâu tại các vùng cư trú của người Mạ lâu đời như huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), huyện Định Quán (Đồng Nai) hay Bù Đăng (Bình Phước)… Một căn nhà lá hay một ngôi nhà bê tông cấp bốn chỉ dành cho một gia đình được lớp trẻ yêu thích hơn là một gia đình lớn cùng sống trong một mái nhà dài hun hút không vách ngăn như truyền thống nhà.
Lũ trẻ của buôn làng vẫn nghiêng về sự tiện ích nhiều hơn là bảo tồn bản sắc. Khoảng tầm gần mười năm trước, những người làm công tác văn hóa tại Lâm Đồng cũng đã ý thức được xu thế mai một hình thái cư trú nhà dài độc đáo của người Mạ. Một dự án phục hồi mô hình nhà dài ngay tại Bảo tàng Lâm Đồng ở TP. Đà Lạt-nơi mà xưa nay chưa một người Mạ nào cư trú, đã được triển khai. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học cũng cảnh báo về việc bảo tồn sẽ phản tác dụng khi tách một thực thể văn hóa (đặc biệt là văn hóa vật thể) khỏi không gian truyền thống của nó. Nhà dài sẽ trở nên vô hồn nếu không được bảo tồn ngay trong không gian buôn làng, rừng núi, nơi sinh sống ngàn đời của người Mạ.
TRẦN SƠN TÙNG