Là gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), ông Chau Rưm, trú tại ấp An Hòa rất phấn khởi khi gia đình được hỗ trợ xây dựng lại ngôi nhà kiên cố theo Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Ngồi bên thềm nhà, nhớ về những ngày tháng vất vả khi phải sống trong căn nhà trống trước, hở sau, ông Chau Rưm xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi vốn có hoàn cảnh rất khó khăn, không có ruộng nương, kinh tế cả nhà phụ thuộc vào tiền công nhật làm phụ hồ của tôi, còn vợ thì làm thuê gặt lúa, thu hoạch đậu phộng. Bao năm qua, vợ chồng, con cái tôi sống trong căn nhà lụp xụp, mỗi khi mùa mưa bão về thì dột khắp nơi. Công việc vất vả là vậy, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, vì thế, chúng tôi không dám nghĩ tới chuyện làm nhà mới”.
Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn về nhà ở của ông Chau Rưm, năm 2022, các cấp chính quyền tỉnh An Giang đã hỗ trợ gia đình ông 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo người DTTS. Cùng với số tiền 30 triệu đồng mà vợ chồng ông tích cóp được, đến nay, gia đình ông Chau Rưm đã có ngôi nhà kiên cố, khang trang. Giờ đây vợ chồng ông chỉ lo tập trung làm ăn, nuôi dạy con cái để có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn.
Cũng thuộc diện hộ nghèo trong nhiều năm, gia đình bà Néang Si Na (ở ấp Phước An, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) rơi vào tình cảnh nhà sập đã lâu nhưng không có khả năng xây dựng lại. Mặt khác, bản thân bà có nhiều bệnh, trong khi người con ở chung lại không có việc làm ổn định. Trước hoàn cảnh của gia đình bà, chính quyền địa phương đã tận dụng nguồn lực để hỗ trợ về mặt nhà ở.
Bà Néang Si Na xúc động chia sẻ: “Do nhà cũ bị sập, tôi đã phải tới nhà người quen ở nhờ suốt 3 năm. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, thu nhập bấp bênh nên chuyện xây dựng được căn nhà mới quả là một ước mơ quá xa vời mà tôi và người thân chưa bao giờ dám nghĩ tới. Giờ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng lại ngôi nhà tôi rất phấn khởi và biết ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp đỡ gia đình có được căn nhà đại đoàn kết. Nếu không có sự hỗ trợ, không biết đến khi nào gia đình tôi mới có căn nhà để che nắng, che mưa”.
Ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn thông tin: Tại huyện miền núi biên giới Tri Tôn có tổng cộng 33.062 căn nhà thuộc Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhà ở tạm bợ là 1.958 căn (chiếm 5,92% tổng số nhà ở toàn huyện), khu vực nông thôn 1.670 căn, khu vực đô thị 230 căn. Phần lớn nhà ở có kết cấu là cột tre hoặc bạch đàn, vách lá, mái lá... không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đặc biệt khi có bão hoặc giông lốc xảy ra.
Hiện xã Ô Lâm là xã đứng đầu huyện Tri tôn về hộ nghèo và cận nghèo, với 409 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở, tiếp là xã An Tức (200 hộ), Lạc Quới (174 hộ), Châu Lăng (168 hộ), Vĩnh Gia (146 hộ), Tân Tuyến (145 hộ)… Dự kiến năm 2023, sẽ có 700 hộ được hỗ trợ, năm 2024 là 700 hộ. Số còn lại được hỗ trợ vào năm 2025. Tương ứng với đó là tiến độ huy động vốn, từ 32 đến gần 40 tỷ đồng/năm.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Sau khi được xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở của các hộ nghèo, cận nghèo được đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo “3 cứng” (nền, móng cứng; khung, tường cứng; mái cứng), tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, giông lốc”, ông Liêm chia sẻ thêm.
Còn tại huyện Tịnh Biên, rất nhiều hộ nghèo (đặc biệt là đồng bào DTTS) cũng được hưởng lợi hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 1719, Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Điển hình như trường hợp của ông Chau Mau (74 tuổi, trú tại xã An Cư, Thị xã Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên). Bản thân ông không còn khả năng lao động, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào người con gái đi làm thuê, thu nhập bấp bênh. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, hàng tháng được chính quyền xã hỗ trợ gạo. Ở tuổi xế chiều, sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng, ông mong muốn sửa chữa lại để che nắng, che mưa qua ngày. Nhưng cuộc sống khốn khó, nỗi lo cơm áo, gạo tiền hàng ngày còn đau đáu, thì chuyện sửa sang nhà cửa trở nên quá sức.
Trước hoàn cảnh đó, gia đình ông Chau Mau đã được các cấp chính quyền bố trí nguồn lực để hỗ trợ xây dựng một căn nhà kiên cố. “Có được căn nhà vững chắc, không còn nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão về, tôi và người thân rất mừng, biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”, ông Chau Mau bộc bạch.
Phó Bí thư Đảng ủy xã An Cư Nguyễn Thị Nghiêm cho biết, là xã đặc biệt khó khăn của Thị xã Tịnh Biên, số hộ nghèo, cận nghèo còn rất cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là bà con DTTS Khmer. Có thể nói, những căn nhà “Nghĩa tình Dân vận” là món quà hết sức ý nghĩa, góp phần tạo động lực để bà con tiếp tục phấn đấu vươn lên, từng bước giảm nghèo bền vững.
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh An Giang,tỉnh đã quy hoạch bố trí tái định cư cho 2.400 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tri Tôn và 1.940 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tịnh Biên để bà con đồng bào DTTS Khmer vào sinh sống được thuận lợi. Với tổng kinh phí hơn 287,2 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 5.420 căn nhà tập trung tại huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và An Phú, hỗ trợ đất ở cho 1.891 hộ.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều gia đình (đặc biệt là đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang) đã hoàn thành được giấc mơ an cư. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm nghị lực tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách về kinh tế, xã hội giữa thành thị và nông thôn.