Đầu tư trọng tâm
Tỉnh Sơn La đang nỗ lực thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, cùng với số lượng dự án đầu tư nhiều, nên nguồn vốn bố trí cho các Chương trình MTQG trên địa bàn cũng rất lớn. Trong năm 2023, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/7, tổng vốn ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện 03 Chương trình trên địa bàn tỉnh là hơn 3.022 tỷ đồng (trong đó: Vốn đầu tư công hơn 1.564.446 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 1.458 tỷ đồng). Tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 2.728 tỷ đồng, bằng 90,3% tổng kế hoạch vốn thực hiện trong năm 2023.
Việc bố trí nguồn vốn lớn, phân bổ vốn kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS của tỉnh Sơn La là cần thiết. Bởi ngoài việc Sơn La hiện là một trong những tỉnh có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn nhiều nhất cả nước, thì cơ sở kinh tế trên địa bàn tỉnh đang còn rất thiếu và yếu. Những năm qua, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, Sơn La đã đầu tư rất nhiều công trình hạ tầng cơ bản, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Chỉ tính riêng công trình nước sinh hoạt, theo Báo cáo số 200/BC-BDT ngày 12/8/2022 của Ban Dân tộc Sơn La về thực hiện chính sách phát triển KT-XH, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực biên giới vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 – 2021, từ nguồn vốn Chương trình 135, toàn tỉnh đã đầu tư 32 công trình nước sinh hoạt. Nhưng trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 72 công trình để giải quyết nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 hộ dân.
Thực hiện nội dung số 4 của Dự án 1 về hỗ trợ nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG 1719, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung tại các bản, cụm bản trên địa bàn các xã thụ hưởng. Quan điểm của tỉnh khi thực hiện là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những địa bàn cấp thiết, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa kích cầu kinh tế cho địa phương.
Đơn cử như bản Lướt - bản du lịch cộng đồng trọng điểm của xã Ngọc Chiến (huyện Mường La). Theo ông Lò Văn Say, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, trước đây, từ nguồn vốn Chương trình 135, bản Lướt được đầu tư công trình nước sinh hoạt nhưng đã bị hư hỏng, không còn sử dụng được. Năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Mường La đã đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại bản Lướt, với giá trị gần 4 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi để bản Lướt phát triển du lịch, đồng thời góp phần quan trọng để xã Ngọc Chiến hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường giám sát
Cùng với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì trong quá trình triển khai các dự án thuộc các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719, công tác giám sát được các cấp ngành, địa phương của tỉnh Sơn La chú trọng, với phương châm “làm đến đâu, giám sát đến đó”. Điều này thể hiện rõ trong kế hoạch triển khai chương trình của tỉnh, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu, với kết quả thực hiện chương trình và coi kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ không tách rời.
Đơn cử tại huyện Bắc Yên, theo ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, trên địa bàn đang triển khai thực hiện 9 dự án, với tổng kinh phí phân bổ từ Chương trình MTQG 1719 là hơn 59,2 tỷ đồng. Đối với các dự án, công trình được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu thực hiện khảo sát, thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
“UBND huyện đã tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện đối với các công trình chuyển tiếp năm 2022, đồng thời thực hiện các quy trình khảo sát, phê duyệt các công trình đầu tư mới năm 2023 theo tiến độ và quy định”, ông Thức cho biết.
Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bắc Yên, cũng chính là định hướng chung được lãnh đạo tỉnh Sơn La chỉ đạo các địa phương, cơ quan trong tỉnh tập trung thực hiện. Ngay sau khi có hướng dẫn thực hiện của Trung ương, ngày 31/8/2022, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND về tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Mục đích của kế hoạch là kịp thời chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm; phát huy những mặt tích cực, phát hiện những mặt còn yếu kém, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện và đề ra những giải pháp phù hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo Chương trình thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đạt chất lượng.
Ban Dân tộc tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình và tổng hợp chung kết quả giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình báo cáo UBND tỉnh, để báo cáo Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan Trung ương có liên quan.
Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ không tách rời trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc. Điều này cũng đã được lãnh đạo tỉnh Sơn La khẳng định tại Hội nghị công bố quyết định kiểm toán đối với các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, tổ chức ngày 10/4/2023. Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trang Thị Xuân cho biết, lãnh đạo tỉnh mong muốn đoàn kiểm toán sẽ phát hiện và kịp thời đề xuất Trung ương tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện đối với các chương trình MTQG, từ đó thúc đẩy việc triển khai các dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/9/2023, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đã trình bày báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội đối với các chương trình MTQG. Báo cáo nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện; công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và riêng từng chương trình được tăng cường.