Đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ và huyện Ba Vì (Hà Nội) coi Tết Độc lập là tết đoàn viên. Trong dịp Tết Độc lập, dù chỉ được nghỉ một vài ngày nhưng những đứa con đi làm ăn ở xa vẫn tranh thủ trở về nhà bố mẹ, trở về quê hương ăn tết cùng gia đình. Mâm cỗ cúng Tết Độc lập trong gia đình người Mường không thể thiếu các món như: thịt lợn quay, xôi ngũ sắc hoặc xôi trứng kiến, thịt cá nướng, gà luộc, măng luộc, rau rừng…
Món đặc sản đón Tết Độc lập đầu tiên phải kể đến của người dân tộc Mường là thịt lợn mán nguyên con được quay chín vàng.
Người Mường thường mang cả con lợn chín lên mâm cỗ. Sau khi cúng xong, lúc hạ lễ, đồng bào sẽ lần lượt xẻ từng phần từng miếng thịt lợn quay vàng, béo ngậy, tươi ngon nhất mời khách.
Cũng có những vùng hoặc gia đình thường thái thịt, sắp ra mâm cỗ. Người thái thịt, sắp mâm cỗ phải là những người đàn ông lớn tuổi, có hiểu biết nhất định mới được đảm nhiệm việc này. Để sắp mâm, ngay từ việc đặt hướng ngọn lá, mang lá cũng phải đúng cách. Các món ăn được chế từ các bộ phận của con lợn cũng phải xếp đúng vị trí, như thế, lúc dọn mâm mới không bị thiếu. Theo quan niệm của người Mường, khi đặt mâm cỗ cúng, nếu thiếu một trong các bộ phận của con lợn coi như tổ tiên chưa nhận đủ lễ, sẽ không may mắn cho gia đình.
Dịp Tết Độc lập ở vùng cao cũng vào mùa trứng kiến, chính vì thế trong những mâm cỗ 2/9 luôn luôn có món xôi trứng kiến đen.
Trứng kiến được đồ với nếp nương có rưới chút mỡ hành xơi đều. Khi béo ngậy thơm lừng cực kỳ ngon miệng.
Một món xôi truyền thống khác, cũng thường có để đãi khách ngày 2/9 của người Mường, là xôi 7 màu. Tất cả màu sắc trong xôi đều được lấy từ lá cây rừng hoặc củ quả tự nhiên.
Món đặc sản bánh trứng kiến hiếm có thường được các gia đình tỉ mỉ chế biến. Không phải mâm cỗ đón 2/9 của người Mường nào cũng có món bánh này vì đây là món ăn đặc biệt thường được ưu tiên đón khách quý.
Khi ăn bánh trứng kiến bạn sẽ cảm nhận được, mùi thơm của bột nếp và mùi béo ngậy của trứng kiến tạo nên hương vị đặc biệt của núi rừng.
Món ăn khá đặc biệt khác đón Tết 2/9 là bánh uôi. Để làm bánh, các gia đình người Mường đều phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước. Lá bương lấy từ rừng về được phơi khô, gạo nếp phải xay kỹ để làm bánh.
Khi đã có hỗn hợp bột, người ta đem nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rắc lạc, vừng lên trên và được quấn lại bằng lá bương. Bánh uôi được gia chủ dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà.
Món đe của người Mường cũng thường được ăn vào ngày 2/9. Món đe thực chất là rượu nếp được ủ lên men cây rừng vừa tới. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của gạo lên men, vị rượu nồng đượm cực kỳ ngon miệng.
Gà luộc cũng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Độc lập của người Mường. Trong ngày 2/9, mâm cỗ dù đầy đủ bao nhiêu nhưng thiếu một bình rượu cần truyền thống thì không trọn vẹn.
Ở nhiều bản làng người Mường, trong ngày Tết Độc lập, mỗi gia đình thường chuẩn bị 5 mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên. Các cụ cao tuổi nhất trong nhà sẽ đại diện cho cả nhà mời tổ tiên, các vị thần về nhận lễ, chứng giám cho lòng thành của con cháu. Sau đó, con cháu xin phép lùi mâm xuống, tất cả cùng nhau nâng ly chúc mừng ngày Quốc khánh và chúc nhau may mắn, thành công trong cuộc sống, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.
Đây cũng là dịp để gia đình dạy con cháu, ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương đất nước, nhớ công ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do cho nhân dân.