Cây vả được người Lô Lô gọi là “vịa phá”, với đặc tính là cây bóng mát nên lá cây to, khá dày lại sạch nên được người dân tận dụng để đựng thức ăn. Còn lá chuối được người Lô Lô cắt thành từng tấm rồi hơ lửa cho lá dẻo dai hơn để đựng cơm.
Sau khi cơm được nấu chín, một người sẽ làm nhiệm vụ xới cơm, còn một người khác sẽ khéo léo gói chặt cơm vào trong lá, mỗi mâm sẽ được chia hai gói cơm. Trong mâm cơm có các món mặn như thịt bò xào măng, thịt lợn luộc. Nước luộc thịt lợn sẽ được tận dụng để luộc hoa chuối thái nhỏ làm món canh. Chính vì không có quá nhiều món nên mâm cơm của người Lô Lô rất nhỏ gọn.
Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín tại xóm Khuổi Khon cho biết: Ngày xưa, của cải vật chất không có nhiều, đến khi nhà nào có việc làm lễ mượn bát đũa của bà con cùng xóm cũng được, nhưng vì sợ phiền và số lượng khách đến đông nên người dân tận dụng lá cây có trong tự nhiên là cây vả và lá chuối. Khi xong việc chỉ cần vứt để lá cây tự tiêu hủy, như thế rất thuận lợi mà không phiền đến nhà khác.
Một số mâm được dùng để cúng tế, sau đó người thân trong gia đình sẽ quây quần ngồi lại với nhau cùng ăn cỗ. Ngày xưa, người Lô Lô thường dùng những chiếc mâm được đan bằng nan tre để đựng thức ăn, bó đũa cũng được buộc lại bằng lạt tre rất cẩn thận. Nay, đồng bào đã dùng mâm nhôm, mâm đồng để thay thế.
Người Lô Lô cư trú ở những địa hình vùng đồi núi cao, sống gần gũi với thiên nhiên nên cách đồng bào làm các món ăn, sắp xếp các mâm lễ cũng thật đặc biệt, thể hiện sự khéo léo và tài hoa trong việc tận dụng các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên.