Cây lưỡi rồng do người dân trồng trên đất cát, không cần chăm sóc. Ảnh: H.H.THẾ.Mùa nắng nóng ở Phú Yên hay cả miền Trung trở thành môi trường lý tưởng cho cây lưỡi rồng phát triển. Loài cây biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, không những tạo thêm màu xanh dịu mắt của vùng cát bỏng rát, mà còn mang một giá trị tinh thần về sự vươn lên của con người. Cây lưỡi rồng còn gắn bó vào bữa ăn của người dân vùng cát Phú Yên.
Món canh thanh mát mùa hè
Vào những ngày nắng nóng mùa hè, nhiều gia đình vùng cát quê tôi thường nấu canh lưỡi rồng với cá biển (cá cơm, cá nục, cá ồ…) để ăn cơm. Điều đặc biệt là chỉ mùa hè nắng nóng, món canh lưỡi rồng mới ngon, như lời mẹ tôi nói: “Mùa hè, miếng lưỡi rồng đặc ruột hơn, khi nấu canh nước có vị thanh mát, ít nhớt, không có vị chua như nấu canh vào mùa đông”.
Để có một món canh ngon, khâu quan trọng nhất vẫn là chọn những miếng lưỡi rồng non. Vốn dĩ phải chọn những miếng non thì canh mới có hương vị thanh ngọt. Ai muốn ăn chua thì hái lưỡi rồng vào buổi sáng và trưa, ai không thích vị chua thì nhất định phải hái vào buổi chiều. Tôi cứ thắc mắc hỏi mẹ vì sao kỳ lạ như thế, mẹ cười nói rằng: “Lưỡi rồng dị ứng” với mặt trời, chỉ khi nào về chiều, mặt trời sắp lặn nó mới hết chua”.
Miếng lưỡi rồng non, trước khi chế biến. Ảnh: H.H.THẾ.Còn nhớ những lần mẹ tôi nấu canh lưỡi rồng, sau khi mẹ hái gần hai chục miếng, rồi cho vào rổ đảo sơ cho rụng gai. Sau đó, mẹ tỉ mỉ dùng dao gọt bỏ những nốt gai trên bề mặt miếng lưỡi rồng, rồi rửa sạch để ráo nước. Mẹ lựa những miếng có kích cỡ gần bằng nhau cầm trên tay và xắt thành từng sợi, sau đó trải trên mặt chiếc sàng để hong cho khô dỉu dỉu. Cá cơm mua ở chợ xổm gần nhà vào buổi sáng, mẹ rửa sạch và ướp với mắm nhỉ. Khi nấu, đợi nước sôi mới cho cá cơm vào nấu chín, nêm nếm chút muối và bột ngọt (mì chính) cho vừa ăn, đợi sôi lại rồi cho lưỡi rồng vào. Canh sôi bùng lại lần nữa, nước trong nồi hơi quánh lại như nước yến và ngả màu trắng đục là canh chín, mẹ thêm ít rau ngổ thái nhỏ cho vào rồi nhấc khỏi bếp.
Từng sợi lưỡi rồng giòn sần sật trên đầu lưỡi, cái nhơn nhớt vân vê quanh răng. Vị thanh dịu từ lưỡi rồng quyện với vị ngọt của cá cơm hòa cùng gia vị và rau ngổ, tạo nên cảm giác thích thú. Món canh dân dã phảng phất hương vị của biển cả cùng cái hanh hao của nắng gió vùng cát, tạo nên bữa cơm quê đơn sơ mà ngọt ngào chan chứa yêu thương. Bữa cơm nào có canh lưỡi rồng, mẹ tôi không cần nấu thêm món khác, chỉ cần chén nước mắm nguyên chất dầm với trái ớt xanh để chấm cá là đủ để anh em chúng tôi ăn cơm no căng bụng.
Trước khi nấu canh, lưỡi rồng non được xắc/thái phơi qua nắng để heo héo Ảnh: H.H.THẾ.Trở thành đặc sản vùng cát
Chính vì sự đơn giản này nên món canh lưỡi rồng trở thành một món ăn quen thuộc đối với người vùng cát Phú Yên. Ngày nay, dù đời sống khá giả hơn, có nhiều món ăn cao sang hơn, nhưng canh lưỡi rồng giản dị vẫn là món canh thân thương đã gắn bó với biết bao lớp người, từ già đến trẻ, gây thương nhớ cho những người ở vùng cát đã xa quê, và làm sống dậy bao kỷ niệm thuở thiếu thời.
Hiện nay, canh lưỡi rồng đã trở thành đặc sản của vùng cát Phú Yên. Người dân địa phương cho rằng, ăn canh lưỡi rồng giúp mát gan, giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa và rất thích hợp vào những ngày hè oi ả. Đối với những người ăn chay hoặc ăn kiêng, món canh lưỡi rồng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Ngày nay, khi xu hướng tìm về ẩm thực truyền thống, khám phá những món ăn bản địa ngày càng được mọi người quan tâm thì món canh lưỡi rồng cũng đã xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng đặc sản ở Phú Yên.
Tô canh lưỡi rồng nấu với cá cơm biển. Ảnh: H.H.THẾ.Du khách cũng có thể thưởng thức món canh lưỡi rồng tại một số điểm du lịch sinh thái hoặc làng nghề truyền thống ở Phú Yên. Món ăn lạ miệng, cách chế biến độc đáo và giá trị dinh dưỡng cao khiến nhiều người tò mò, sau khi ăn thử lại đem lòng yêu thích.
Ông Nguyễn Văn Thường (Sáu Thường, 62 tuổi), Chủ nhà hàng sân vườn chuyên bán hải sản tươi sống ở khu phố Phú Thọ 2, phường Hoà Hiệp Trung, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, chia sẻ: “Lúc đầu tôi chào khuyến mãi một vài tô canh lưỡi rồng nấu với chả cá thu để khách ăn cho biết. Không ngờ canh lưỡi rồng của nhà hàng đã thành đặc sản. Độc quyền đặc sản canh lưỡi rồng ở nhà hàng tôi là ngoài nấu với chả cá thu còn có thêm lá me và ớt xiêm”.
Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ khách du lịch, một số địa phương đã bắt đầu nghiên cứu chế biến lưỡi rồng thành thực phẩm khô hoặc đóng hộp, nhằm nâng cao giá trị kinh tế và đưa sản phẩm đến với thị trường rộng lớn hơn. Ông Đào Tấn Dục (70 tuổi) ở khu phố Phước Lâm, phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, bộc bạch: “ Vào mùa hè, cứ tầm một tháng, vợ chồng tôi lại đi bẻ lưỡi rồng về làm sạch gai, xắt mỏng, phơi khô… đóng gói gửi vào Sài Gòn cho con nó nấu canh ăn, vì nó nói lâu lâu thèm canh lưỡi rồng ở quê nhà”.
Khách thưởng thức món canh lưỡi rồng ở nhà hàng Sáu Thường (khu phố Phú Thọ 2, phường Hoà Hiệp Trung, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) . Ảnh: H.H.THẾ. Hiện nay, những miếng lưỡi rồng cũng đã được bày bán ở các chợ ở tỉnh Phú Yên, như chợ Tân Hiệp (P.2 TP Tuy Hòa); chợ Phú Lâm (P. Phú Lâm, TP Tuy Hòa) và hầu hết các chợ ở quê vùng cát. Theo tìm hiểu được biết, sau khi lưỡi rồng làm sạch, được bán với giá 10.000 đồng/12 miếng, hoặc bán theo ký 30.000 đ/ký.
Bà Trương Thị Trinh (63 tuổi) người chuyên bán lưỡi rồng ở chợ Uất Lâm (KP Uất Lâm, P. Hòa Hiệp Bắc, TX Tây Hòa) cho biết: “ Vào mùa hè, tôi bán miếng lưỡi rồng, mỗi buổi chợ cũng có thu nhập bình quân trên 300.000 đồng, có đồng ra đồng vào trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình”.
Từ món ăn của người nghèo trong những ngày tháng gian khó, canh xương rồng hôm nay đã trở thành đặc sản độc đáo, mang đậm hương vị quê hương vùng cát, và là biểu tượng cho bản sắc ẩm thực ở Phú Yên và miền Trung. Giữa thời đại hội nhập, càng trân trọng những giá trị bản địa, ta càng thấy rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy những món ăn truyền thống như canh lưỡi rồng - không chỉ là một món canh, mà là cả một câu chuyện văn hóa ẩm thực.