Một góc khu căn cứ cách mạng Thồ Lồ, nay là xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên)Khu căn cứ cách mạng bất khả xâm phạm
Thồ Lồ là căn cứ địa quan của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhờ có địa hình rộng lớn với núi cao, rừng rậm bao bọc, đường sá hiểm trở, nằm giữa ranh giới 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai và Phú Yên nên một thời Thồ Lồ được xem là khu căn cứ bất khả xâm phạm.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ở vùng núi non hiểm trở này, người dân Thồ Lồ có cuộc sống lạc hậu, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục. Người Pháp đặt chân đến, gieo rắc vào người dân sự đố kỵ nhằm chia rẽ dân tộc, gây hằn thù giữa các dân tộc anh em với rất nhiều chiêu bài.
Nhưng họ đâu biết rằng, đồng bào Thồ Lồ trong thẳm sâu đã sẵn lòng yêu nước và giác ngộ cách mạng; vùng đất ấy từng là căn cứ khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn, là địa bàn rộng lớn cho nữ tướng Bùi Thị Xuân lập nên đội tượng binh thiện chiến, góp phần giữ vững Tây Sơn Trung đạo trên đất Phú Yên. Trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống thực dân Pháp, vùng đấy này tiếp tục là căn cứ địa của các sĩ phu Võ Trứ, Nguyễn Hào Sự...Vì vậy, âm mưu của người Pháp nhằm chia rẽ đồng bào đã thất bại hoàn toàn.
Sức sống mới trên vùng căn cứ cách mạng xưaCách mạng Tháng Tám thành công, xác định vùng Thồ Lồ, Phú Mỡ có vị trí quan trọng, Tỉnh ủy Phú Yên gấp rút xây dựng nơi này trở thành căn cứ cách mạng. Nơi đây in đậm dấu chân những người chiến sĩ cộng sản tuyên truyền giác ngộ đoàn kết Kinh - Thượng để chống Pháp giành độc lập, gắn với các tên tuổi của các đồng chí như: Nguyễn Tô Sâm, Cao Xuân Thiêm (Văn Công), La Chí Noa…
Bước vào kháng chiến chống Mỹ, trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Thồ Lồ tiếp tục là căn cứ địa cách mạng vững chắc nhất của Phú Yên, là vùng bất khả xâm phạm mà kẻ thù không thể kiểm soát nổi. Trong thời kỳ này, người dân Thồ Lồ vẫn một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ cùng với bộ đội chiến đấu anh dũng đến ngày đất nước thống nhất.
Những ngày này, chúng tôi tìm về khu căn cứ cách mạng xưa, đến thăm nhà già làng Ma Nghĩa, biểu tượng sống của vùng đất này. Già làng Ma Nghĩa kể: Từ năm 1952, nhiều chiến sĩ cách mạng, trí thức, đảng viên ưu tú đã bám trụ, cùng ăn cùng ở, cùng làm với đồng bào để tuyên truyền cách mạng, làm cho người Thồ Lồ hiểu rõ hơn bản chất cách mạng, về Đảng, Bác Hồ cũng như âm mưu của các thế lực thù địch. Những trưởng làng như Ma Quân, Ma Kham, Ma Tý, Ma Gâm, Ma Đớ... cùng dân làng lần lượt đứng lên, một lòng theo Đảng, tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập tự do.
Người dân khu căn cứ cách mạng xưa hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế"Một khi người đồng bào đã tin là không lay chuyển, từ già làng đến lũ thanh niên, trai gái hăng say lao động, chiến đấu dũng cảm và đặc biệt là tình nghĩa sâu nặng với của người dân với cán bộ cách mang. Trong những năm tháng khó khăn nhất, họ đã chia sẻ từng gùi lúa, từng chén muối để nuôi cán bộ cách mạng, che chở và bảo vệ cán bộ trước sự truy lùng của kẻ thù”, già lang Ma Nghĩa nói.
Đổi thay trên quê hương cách mạng anh hùng
Sau 50 năm giải phóng, Thồ Lồ xưa - Phú Mỡ nay đã có nhiều đổi thay, phát triển. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm…được Nhà nước đầu tư đến tận thôn, buôn. Đời sống bà con không ngừng được nâng lên, 100% các trẻ em ra lớp đúng độ tuổi.
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, vùng căn cứ cách mạng xưa không ngừng phát triểnNông nghiệp là kinh tế chủ đạo của Phú Mỡ. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác lúa rẫy, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng suất thấp, thì nay diện tích lúa nước hai vụ được mở rộng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn xã 407,63ha; trong đó, gần 68ha lúa nước, 64,4ha lúa rẫy, 258ha sắn, còn lại là cây mía và một số loại hoa màu khác...
Giáo dục và đào tạo được xem là chìa khóa để thoát nghèo bền vững, Phú Mỡ được đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, cấp học bổng, sách vở, đồ dùng học tập được triển khai từ nhiều nguồn, khuyến khích tinh thần học tập của các em học sinh.
Thầy Lê Ngọc Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ, chia sẻ: Hiện nay, bà con đã ý thức tốt việc cho con đến trường, học hành để thoát nghèo, nên việc vận động các em ra lớp thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Cả xã có 328 em, đều ra lớp đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học giữa chừng vì lý do khó khăn về kinh tế. Ngoài trường chính ở thôn Phú Giang, ở các thôn còn lại như Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Đồng, Phú Hải đều có điểm trường, tạo thuận lợi để các em đến lớp.
Hạ tầng giao thông ở Phú Mỡ được đầu tư xây dựng bài bảnĐặc biệt từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) triển khai, Phú Mỡ được ưu tiên nhiều công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế như một cú hích thúc đẩy địa phương phát triển.
Theo UBND xã Phú Mỡ, từ Chương trình MTQG 1719, xã được đầu tư 32 công trình, tổng vốn trên 35 tỉ đồng. Các dự án tập trung hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; đa dạng hóa sinh kế; xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa… góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao điều kiện sống cho người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, nên địa phương luôn tận dụng mọi nguồn vốn đầu tư vào địa bàn. "Ngoài các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2024, xã Phú Mỡ được đầu tư trên 28,49 tỉ đồng triển khai nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng như: hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 23 hộ dân thôn Phú Đồng; mua sắm máy móc nông cụ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 32 hộ dân… Thực hiện Dự án 3, xã Phú Mỡ đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ dân với tổng vốn trên 3,6 tỉ đồng; hỗ trợ 2 tỉ đồng để người dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, với các dự án nuôi bò, nuôi dê sinh sản…”, ông Minh cho biết thêm.
Hầu hết trẻ em ở Phú Mỡ trong độ tuổi đi học đều được đến trườngÔng Ka Pá Lực, người dân xã Phú Mỡ cho hay: Từ khi Chương trình 1719 được triển khai, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư, nâng cấp đáng kể. Phấn khởi nhất là các công trình đường giao thông nông thôn giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, giảm được tình trạng tư thương ép giá nông sản với lý do đường sá khó khăn. Kế đến là các công trình thủy lợi, công trình nước sạch, các dự án đa dạng hóa sinh kế đã giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống.
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn bởi đặc thù là xã miền núi, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 99,7% nhưng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự chung sức đồng lòng của bà con nơi đây, miền đất huyền thoại một thời sẽ vươn lên phát triển.