Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mớ, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 62-NQ/TU ngày 26/10/2021 về nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 2 đề án tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập và nâng cao chất lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ cán bộ y tế, tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia, đẩy mạnh tiếp thị xã hội và bán rộng rãi các phương tiện tránh thai. Hiện nay, các bệnh viện đa khoa, các trung tâm y tế đều có khoa sản, được trang bị đầy đủ các loại máy móc thiết bị y tế hiện đại, cần thiết. Bệnh viện chuyên khoa sản nhi được thành lập với quy mô 180 giường bệnh; 100% y tế cơ sở tuyến xã có dịch vụ cung cấp phương tiện tránh thai, khám điều trị phụ khoa thông thường, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mô hình tư vấn và khám sức khỏe cho thanh niên trước khi kết hôn cũng được triển khai rộng rãi tại tỉnh Yên Bái. Theo đó, hàng năm mô hình đã tư vấn và khám sức khỏe cho gần 3.000 cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn chiếm gần 58% tổng số cặp kết hôn, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trên 7.000 lượt thanh niên/vị thành niên tại các cơ sở y tế và hoạt động ngoại khoá trong nhà trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đã từng bước mở rộng chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, ban đầu từ 20 xã triển khai đến nay chương trình đã triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: tỷ lệ sàng lọc trước sinh bằng siêu âm đạt trên 70,2% tổng số bà mẹ mang thai, trong đó số bà mẹ được sàng lọc tầm soát đủ 4 bệnh đạt 26% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 35% tổng số trẻ sinh.
Chương trình tầm sáot, chuẩn đoán điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đã giúp các bà mẹ chăm sóc sức khỏe khi mang thai, tạo cơ hội sinh con khỏe mạnh phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phát hiện sớm các dị tật thai nhi để có các biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả. Qua việc sàng lọc sơ sinh đã phát hiện các trường hợp nguy cơ cao mắc bệnh, tật bẩm sinh, từ đó có các biện pháp chẩn đoán điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa những biến chứng do bệnh gây ra (trong số trẻ sàng lọc sơ sinh đã phát hiện 270 ca có nguy cơ mắc bệnh thiếu men G6PD).
Đặc biệt, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm thực hiện hiệu quả Dự án 7 về Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; Dự án 9 - Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo đó, thực hiện Dự án 7, Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tỉnh Yên có kinh phí thực hiện 13 tỷ 741 triệu đồng. Với nguồn lực trên, Yên Bái đã thực hiện tổ chức 66 lớp tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng truyền thông, hướng dẫn triển khai về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và quản lý SDD cấp tính cho 1.545 cán bộ y tế tuyến huyện, xã và đội ngũ y tế thôn bản. Hoàn thiện các thủ tục và hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản theo quy định. Thực hiện quy trình, thủ tục mua sắm vi chất dinh dưỡng. Thực hiện 98 điểm tiêm ngoại trạm tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên. Tổ chức 08 hội nghị triển khai các nội dung về dân số tại các địa phương. Tổ chức 01 chiến dịch truyền thông, khám sức khỏe định kỳ cho 300 người cao tuổi tại xã Vĩnh Kiên (Yên Bình).
Thực hiện Dự án 9 - Tiểu dự án 2 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Yên Bái đã triển khai các hoạt động Mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên: 01 cụm panô, 06 băng zôn, 500 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 04 hội nghị cung cấp thông tin; ký cam kết cho hơn 400 hộ dân xã Nà Hẩu.
Các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện in và phát 5.000 tờ rời tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền cho 252 đại biểu cơ sở, xây dựng 03 cụm pano tuyên truyền; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền viên pháp luật cho 117 trưởng thôn của 16 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện Đề án 818 của Bộ Y tế tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả theo phương thức xã hội hóa tại khu vực thành thị, nông thôn phát triển. Song song với đó, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng được chú trọng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã bố trí giường bệnh cho người cao tuổi khám, chữa bệnh. Hàng năm, 100% cơ sở y tế tuyến xã đã tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đến nay, 70% số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và trên 40% người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe….
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hoá gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hoá gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao…
Có thể thấy, nhờ quyết liệt triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, chất lượng dân số tỉnh Yên Bái được cải thiện về nhiều mặt; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…