PV: Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và bán trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang làm thay đổi tích cực, phát triển ổn định về quy mô, số lượng và chất lượng, xin ông thông tin về hệ thống trường PTDTNT và bán trú trên địa bàn tỉnh?
Ông Đỗ Tường Hiệp: Đầu năm học 2023-2024, tỉnh Đắk Lắk có 1006 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, 15 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện; 1 trường Cao đẳng Sư phạm. Toàn tỉnh hiện có 489.430 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó học sinh DTTS chiếm 35,99%; 6.263 học viên GDNN-GDTX, 484 sinh viên Cao đẳng Sư phạm.
Đối với giáo dục dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết số 94/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2025, trong đó quy hoạch mạng lưới trường lớp PTDTNT của ngành. Năm học 2023-2024, tỉnh Đắk Lắk đã có 17 trường PTDTNT trong đó có 2 Trường PTDTNT cấp THPT với 777 học sinh và 15 trường PTDTNT - THCS cấp huyện, với 2.143 học sinh.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn có 6 Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở cấp huyện, trong đó học sinh DTTS chiếm 74%
PV: Thưa ông, hệ thống PTDTNT và bán trú có vai trò như thế nào trong phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS?
Ông Đỗ Tường Hiệp: Trường PTDTNT có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng DTTS. Đây là loại hình trường chuyên biệt mang tính chất phổ thông, dân tộc và nội trú. Trường PTDTBT được Nhà nước thành lập cho con em đồng bào DTTS, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. Đồng thời bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS.
Hệ thống PTDTBT đang phát triển nhanh về quy mô, số lượng và cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục toàn diện, khẳng định được vai trò trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS và miền núi.
PV: Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 về củng cố hoạt động, đổi mới phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS thuộc Dự án 5, Chương trình MTQG 1719, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả nhất định, xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?
Ông Đỗ Tường Hiệp: Giai đoạn 2021-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu bố trí từ Chương trình MTQG 1719 để thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 5 với tổng số vốn là gần 350 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, bán trú học sinh nhà ăn, nhà bếp, các công trình phụ trợ khác và mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy - học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh. Sở cũng đã phối hợp với các huyện tham mưu UBND tỉnh bố trí khoảng 140 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Dự án 2 và Dự án 4 để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy – học cho các trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Năm 2022, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện 4 công trình, với tổng mức đầu tư là 30,95 tỷ đồng. Đến tháng 9/2023 các nhà nội trú học sinh, nhà ăn, nhà bếp của các trường này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ cho học sinh từ đầu năm học 2023-2024. Các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu học kỳ 2 năm học 2023-2024.
Các công trình thuộc kế hoạch năm 2023-2025 cũng được Sở GDĐT tích cực chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu để kịp khởi công từ đầu năm 2024 và hoàn thành trong năm 2024.
Bên cạnh đó, công tác xóa mù chữ cũng được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh được thể hiện thông qua các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; theo dõi, cập nhật danh sách chuyển đi chuyển đến, các đối tượng mới nhập hộ khẩu để tránh tình trạng thiếu sót tên đối tượng điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chỉ đạo các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở làm tốt công tác điều tra, nhập số liệu từ phiếu điều tra vào phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ giữa các cấp học, giữa nhà trường với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, gia đình học sinh trên từng địa bàn dân cư để huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; các cơ sở giáo dục kịp thời lập danh sách học sinh bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học về UBND xã; đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, có biện pháp tích cực để hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học, nâng cao hiệu quả đào tạo. Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tổ chức thực hiện công tác xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; giáo viên các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tích cực tham gia, theo dõi công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên các địa bàn đã phân công.
Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, ra Quyết định số 2550/QĐ-BGDĐT ngày 06/9/2023 về việc công nhận tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Đến nay, có 12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 và 3 huyện đạt chuẩn mức độ 1.
PV: Việc triển khai hiệu quả Dự án, góp phần như thế nào trong phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, thưa ông?
Ông Đỗ Tường Hiệp: Sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình của Tiểu dự án 1 – Dự án 5, tất cả các trường Phổ thông DTNT, DTBT, trường phổ thông có học sinh ở bán trú sẽ đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất mức độ 1 theo qui định của Bộ GDĐT, đáp ứng được yêu cầu phục vụ giảng dạy theo chương trình GDPT 2018, đảm bảo các điều kiện ăn, ở sinh hoạt của học sinh nội trú, bán trú và cơ bản đáp ứng được yêu cầu về trang thiết bị dạy học. Qua đó, sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn.
Đối với bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, trên cơ sở các nội dung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn, Sở đã và đang tập huấn cho hơn 150 cán bộ, giáo viên, nhân viên/lượt với 10 nội dung đã được Bộ tập huấn. Cán bộ quản lý và giáo viên nhân viên được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!