Huyện Đồng Hỷ đang có 3/15 xã thuộc vùng III - vùng khó khăn là Tân Long, Văn Lăng, Hợp Tiến. Điều kiện kinh tế, đường giao thông của một số xã còn nhiều khó khăn, có nhiều xóm, bản cách xa trạm y tế. Đáng nói, ở các địa bàn vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chưa thực hiện tốt công tác dân số, KHHGĐ.
Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, thường xuyên đến tận người dân mới làm họ thay đổi nhận thức, hành vi về dân số, KHHGĐ, theo đó thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của huyện Đồng Hỷ đã luôn nỗ lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chị Ngô Thị Đạt, cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long, cho hay: Với đặc thù là xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng… sinh sống nên chúng tôi luôn phải có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền để phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con. Ở các bản người Mông như Lân Quan, Mỏ Ba, thay vì tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp do xóm, xã tổ chức hoặc qua các cụm loa truyền thanh, chúng tôi phải đến tận nhà hộ dân để truyên truyền, vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh đẻ có kế hoạch và dùng các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ…
Còn tại huyện Phú Bình, xóm Vực Giảng (xã Tân Hòa) hiện nay có 145 hộ dân, 630 nhân khẩu, trên 80% là người dân tộc Tày, Nùng. Đồng bào nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tay cầm tờ rơi, đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền về chính sách dân số, KHHGĐ suốt hơn 20 năm qua. Đó là chị Lý Thị Nụ (sinh năm 1972), người dân tộc Nùng đã gắn bó với công việc cộng tác viên dân số. Chị đã không quản đêm hôm khuya sớm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đưa các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến với người dân.
Ngoài dành thời gian đến gặp gỡ trực tiếp, chị còn kết hợp truyền thông về dân số, KHHGĐ trong các cuộc họp xóm để trang bị thêm kiến thức cho người dân. Chị T.T.L (sinh năm 1999) chia sẻ: Tôi mới lập gia đình và đã sinh một bé trai. Trước đây, khi mới mang bầu, tôi thường xuyên được chị Nụ đến hỏi thăm, nhắc lịch tiêm phòng. Trong quá trình tôi nuôi con nhỏ, chị cũng không quên dặn tôi cho bé đi uống vitamin, tiêm phòng. Đặc biệt, chị còn chia sẻ cho tôi các biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả…
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số tại các vùng khó bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan báo chí như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên thực hiện các phóng sự, tin, bài, ảnh về công tác dân số được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền còn được lồng ghép trong các buổi tiêm chủng, buổi họp triển khai các chương trình, tuyên truyền qua Zalo, Facebook, TikTok… ở cấp huyện.
Theo đó, nội dung tuyên truyền cũng được triển khai khá đa dạng, như: Các chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số, KHHGĐ, nhất là hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính. Nhờ đó, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình tại Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có gần 76 nghìn người chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhiều cặp vợ chồng ở miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã có nhận thức cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã chủ động khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh (từ đầu năm đến nay có 5.353/15.795 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, 3.161/10.345 trẻ được khám sàng lọc sơ sinh). Ngoài ra, nhiều trường hợp đã chủ động đi khám sức khỏe tiền hôn nhân (529/4.753 nam, nữ thanh niên được khám và tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn)…