Những tín hiệu tích cực
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015-2025, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giảm đáng kể qua từng năm.
Cụ thể: Năm 2016, có 89 trường hợp tảo hôn/1.248 cặp đăng ký kết hôn, chiếm 7,13%; năm 2017 có 69 trường hợp, giảm 3,13 % so với năm 2016; năm 2018 có 44 trường hợp, giảm 1,2% so với năm 2017; năm 2019 có 38 trường hợp, giảm 0,3% so với năm 2018.
Riêng năm 2020 có 29 cặp tảo hôn/1.669 cặp đăng ký kết hôn, giảm 0,77%. Qua đó cho thấy tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS hằng năm giảm và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, giảm bình quân 1,35%/năm (mục tiêu giảm bình quân 1%/năm); chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đẩy mạnh hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài ra, đội ngũ Người có uy tín, thông qua các buổi họp thôn, các buổi tiếp xúc với người dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, những hình thức xử lý khi vi phạm luật hôn nhân; hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Ông Pi Năng Trách, Người có uy tín thôn Ma Oai chia sẻ: Với đặc trưng địa phương là vùng tái định canh, định cư, có trên 90% là bà con đồng bào dân tộc Raglai, việc hiểu biết về pháp luật của bà con vẫn chưa được cao, do đó cách tuyên truyền cũng phải đúng trọng tâm, lồng ghép nhẹ nhàng giữa cái lý và tình, để bà con hiểu và đồng thuận, nghe theo. Đồng thời cũng quyết liệt trình báo cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khi các hộ cố tình tổ chức đám cưới nhằm răn đe, giáo dục cho bà con.
Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Bác Ái, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn xã Phước Thắng số vụ tảo hôn đã giảm đi đáng kể so với những năm về trước, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được xóa bỏ.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Bác Ái Pi Năng Chấn cho biết: Những năm qua, Người có uy tín xã Phước Thắng là điểm sáng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân về ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Qua đó, đưa số cặp vợ chồng tảo hôn trên địa bàn huyện qua các năm giảm dần. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của Người có uy tín xã rất đáng biểu dương và nhân rộng trong đồng bào DTTS.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy lùi tảo hôn
Từ những kết quả đạt được trong công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các Sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ được giao thành chương trình, kế hoạch thực hiện. Cho đến nay việc thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Ngành Y tế đã tổ chức tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình cho 325 hộ có đối tượng là vị thành niên, thanh niên về tình dục an toàn và lành mạnh, thai nghén và sinh đẻ ở tuổi vị thành niên. Tổ chức 9 buổi truyền thông về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân; vai trò của chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tác hại của nạo phá thai, tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng lồng ghép các hoạt động truyền thông, giáo dục giới tính trong trường học và quán triệt triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong từng năm học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong việc thực hiện Đề án.
Ngành Tư pháp tổ chức lồng ghép tuyên truyền qua các hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, mở hội nghị triển khai, quán triệt, cuộc thi, các phóng sự, bản tin, bài viết, hình ảnh trực quan; các chuyên trang, chuyên mục Hỏi - Đáp pháp luật, pháp luật và cuộc sống, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành lập các Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn duy trì việc tổ chức hội nghị triển khai Mô hình “hỗ trợ làng xã xây dựng sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”...
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động truyền thông về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bình đẳng giới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định liên quan Luận Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình... Trong năm các cấp Hội đã tổ chức, lồng ghép 25 buổi tuyên truyền với trên 1.562 lượt hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban Dân tộc đơn vị chủ trì phối hợp thực hiện đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, cũng đã tích cực đôn đốc, triển khai cấp phát sổ tay tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh công tác truyền thông trực quan tại các xã đặc biệt khó khăn và các trường dân tộc nội trú; phối hợp tổ chức tập huấn tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh…
Đồng thời tiếp tục duy trì 48 mô hình Câu lạc bộ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” và tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở năm 2023 Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án một cách quyết liệt, có tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào DTTS, từng bước ngăn chặn, khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.
Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, cùng sự đồng thuận của nhân dân, thời gian tới, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS sẽ được đẩy lùi.