Với 10 dự án và 14 tiểu dự án, Chương trình MTQG 1719 đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Các dự án, tiểu dự án của Chương trình 1719 đang triển khai nhiều phần việc quan trọng như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho bà con. Đồng thời, phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe người dân vùng khó và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… Việc triển khai Chương trình đã, đang góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Từ những chủ trương và giải pháp thực hiện đúng đắn như trên, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan. Đơn cử như với Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh đã giải ngân vốn vay làm nhà ở cho 214 hộ dân, tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ dân, kinh phí trên 400 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung, kinh phí trên 12,2 tỷ đồng.
Ông Khúc Kim Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Việc đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung đã mang lại hiệu quả thiết thực khi nhiều hộ người dân tộc thiểu số, nhất là các hộ dân tộc Mông ở bản Lân Đăm của xã đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
Cũng từ triển khai Chương trình, việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã được quan tâm thực hiện tại các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, với 13 chuỗi đang xây dựng hồ sơ dự án liên kết. Theo đó, thông qua Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, đến nay, Thái Nguyên đã tích cực thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gần 3 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh với 9 công trình đã và đang được thi công.
Ngoài ra, dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng đạt được những thành quả khi đã hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại Định Hóa. Theo đó, 4 nhà văn hóa của 4 xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã chưa về đích nông thôn mới là Tân Thịnh và Lam Vỹ đã được đầu tư xây dựng…
Tính chủ động khi thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTGG 1719 còn thể hiện ở khả năng “hấp thụ” nguồn vốn tại các huyện mà điển hình là huyện Võ Nhai. Đến nay, các cơ quan đơn vị của huyện được giao nhiệm vụ đã tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Theo đó, các nguồn vốn được phân bổ đều được huyện Võ Nhai triển khai đúng tiến độ, đạt hiệu quả như: Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển 11.811,8 triệu đồng, đạt 29,64% kế hoạch vốn giao; Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 5 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển 2.594,9 triệu đồng, đạt 26,92% kế hoạch vốn giao. Về vốn sự nghiệp: Tổng kế hoạch vốn giao là 40.138 triệu đồng. UBND huyện đã có quyết định phân bổ vốn sự nghiệp để thực hiện các dự án, tiểu dự án.
Có thể thấy, chỉ sau hơn nửa chặng đường triển khai Chương trình, Thái Nguyên đã hoàn thành được khá nhiều phần việc quan trọng. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; bình quân giảm 2% số hộ nghèo/năm; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, duy trì ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú, bán trú của tỉnh… Thái Nguyên còn phải nỗ lực rất nhiều.
Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng lồng ghép có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình này với các dự án, chính sách hỗ trợ khác của trung ương, tỉnh tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, xây dựng và áp dựng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, các đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính một cách hiệu quả…
Để các dự án, tiểu dự án triển khai hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã chú trọng tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của Chương trình MTQG 1719. Cùng với đó, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực và sức bật cho phát triển kinh tế vùng khó. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã phải tiếp nhận và triển khai các dự án, tiểu dự án tích cực, có kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả nghiêm túc; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, luôn công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của nhân dân.