Tỉnh Thái Nguyên có trên 380.000 người DTTS, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 248 trường mầm non, trong đó số trường mầm non tại vùng khó khăn là 50 trường, với tổng số 553 lớp, nhóm lớp; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tại vùng khó khăn đạt 66,6%, toàn tỉnh vẫn còn trên 60 phòng học mầm non đang phải học nhờ hoặc mượn các phòng chức năng để tổ chức dạy học cho trẻ.
Trước khó khăn này, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; triển khai chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em; huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại huyện Võ Nhai, trên địa bàn huyện có 20 trường mầm non, trong đó có nhiều trường, điểm trường mầm non nằm ở vùng khó khăn của huyện, vùng đồng bào DTTS. Để nâng cao chất lượng giáo dục, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, huyện Võ Nhai đã triển khai xây dựng, đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tại các trường, điểm trường. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng đã và đang được bổ sung kịp thời, để giảm bớt những khó khăn về nguồn nhân lực.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện đã thực hiện thuê khoán khoảng 1.200 định mức giáo viên giảng dạy; trên 1.700 định mức nhân viên nấu ăn cho các trường mầm non. Cô Hoàng Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Mần non Liên cơ, huyện Võ Nhai cho biết: "Để duy trì được công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, thì vấn đề đảm bảo đội ngũ giáo viên cũng là một trong những giải pháp quan trọng, bởi nếu thiếu đội ngũ này sẽ không thể duy trì được công tác chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà trường".
Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng trẻ em vùng DTTS nói tiếng Việt còn hạn chế, do vậy, việc huyện thực hiện, thuê khoán định mức giáo viên để tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh ở độ tuổi nhà trẻ mới bắt đầu quá trình học nói và trước khi vào lớp 1, là rất quan trọng.
Tại trường Mầm non Phú Tiến, huyện Định Hóa, cô Hoàng Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng cũng chia sẻ, năm học 2022-2023, trường Mầm non Phú Tiến có 9 nhóm lớp, với tổng số 214 học sinh. Trong đó, học sinh người DTTS chiếm 91,6%. Nhà trường rất chú ý bố trí được giáo viên tăng cường dạy nói tiếng Việt, tạo nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn. Do vậy, hầu hết các em đã nói chuyện lưu loát.
Với quan điểm giáo dục mầm non, là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, để hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trước khi vào lớp một, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030, có 96% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, tại các xã vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Tỉnh Thái Nguyên cũng phấn đấu, trước năm 2030 sẽ xóa bỏ 100% phòng học nhờ, mượn.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Thái Nguyên sẽ ưu tiên triển khai hiệu quả các nguồn lực đàu tư phát triển của trung ương và địa phương, huy động các nguồn lực xã hội hóa để thúc đẩy phát triển giáo dục mần non vùng khó khăn, vùng DTTS...