Nỗ lực di dân khỏi vùng có nguy cơ thiên tai
Bản Tèn là xóm đặc biệt khó khăn của xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Toàn xóm có 141 hộ dân, với gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông. Do thiếu quỹ đất ở nên nhiều năm qua, Bản Tèn có 30 hộ đồng bào phải làm nhà ở những nơi cheo neo, hiểm trở, có những hộ phải sinh sống cạnh bờ suối. Mùa khô thì đi lại rất khó khăn, còn vào mùa mưa thì lũ ống, lũ quét luôn là mối đe dọa lớn đến tính mạng, tài sản của bà con.
Trước thực tế đó, sau quá trình khảo sát kỹ lưỡng, các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ đã đề xuất với UBND tỉnh Thái Nguyên phương án di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống ở vùng nguy hiểm của xóm Bản Tèn. Huyện Đồng Hỷ đã thống nhất được quỹ đất 1,4 ha để làm khu tái định cư, đồng thời nguồn vốn thực hiện đã được bố trí từ Chương trình 1719.
Tương tự xóm Bản Tèn, xóm Liên Phương, xã Văn Lãng cũng đang được huyện Đồng Hỷ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan để thực hiện dự án tái định cư cho 35 hộ. Đến thời điểm này, UBND huyện Đồng Hỷ đã rà soát đối tượng để xây dựng dự án, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/500 xin ý kiến các sở, ngành. Đến nay đã phê duyệt Quy hoạch chung xã Văn Lăng và phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tái định cư tập trung xóm Liên Phương, xã Văn Lăng; còn Khu tái định cư tập trung xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng đang lập đồ án.
Còn tại huyện Võ Nhai, dự án tái định cư tập trung khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai xóm Tân Kim, xã Thần Sa cũng đang được gấp rút triển khai. Dự án được quy hoạch với diện tích 10 ha, tiếp nhận khoảng 84 hộ với 405 nhân khẩu đồng bào dân tộc Dao xóm Tân Kim di chuyển khỏi khu vực dưới khe suối nhằm tránh nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống. UBND huyện Võ Nhai đã rà soát đối tượng để xây dựng dự án, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/500 xin ý kiến các Sở, ngành; hiện nay Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt.
Đây là những dự án bố trí ổn định dân cư được triển khai từ nguồn vốn Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện Dự án 2 thuộc Chương trình 1719, toàn tỉnh có 03 dự án ổn định dân cư tập trung, với tổng vốn 78,634 tỷ đồng.
Ổn định để phát triển
Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án ổn định dân cư tập trung tại các vùng có nguy cơ thiên tai cao cho thấy nguyên tắc ưu tiên đầu tư các địa bàn trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên trong quá trình triển khai Chương trình 1719. Các dự án này là bức thiết, giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân.
Cũng như xóm Bản Tén của xã Văn Lang (huyện Đồng Hỷ), nhiều năm qua, 84 hộ đồng bào dân tộc Dao ở xóm Tâm Kim, xã Thần Sa (huyện Võ Nhai) luôn nơm nớp nỗi lo thiên tai. Là xóm vùng sâu, Tâm Kim có địa hình khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao. Do không có quỹ đất ở, nên phần lớn hộ dân đều phải làm nhà ở ven suối. Những ngày mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, nước từ hai dãy núi cao chảy xuống, dòng suối dâng cao, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét luôn hiện hữu ở Tân Kim.
Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, các Sở, ngành liên quan và huyện Võ Nhai xác định nhu cầu cấp bách của xóm Tân Kim nên đã đề xuất UBND tỉnh ưu tiên triển khai dự án tái định cư cho 84 hộ dân. Trên địa bàn huyện vẫn còn hàng trăm hộ cần di dời khỏi vùng nguy hiểm. Theo báo cáo của UBND huyện Võ Nhai với Đoàn giám sát HĐND tỉnh ngày 12/10/2023, toàn huyện còn 639 hộ cần bố trí ổn định dân cư. Giai đoạn 2021 – 2025 huyện dự kiến bố trí 442 hộ, trong đó 84 hộ ở xóm Tân Kim là bức thiết nhất.
Cùng với việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng, các khu ổn định dân cư tập trung thì tỉnh Thái Nguyên cũng đã lên phương án hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ tái định cư. Tại xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng), đời sống kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng canh tác ở địa hình đồi núi cao, không chủ động được nguồn nước tưới tươi nên năng suất thấp. Theo lãnh đạo xã Văn Lăng, tới đây, cùng với việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm chính quyền địa phương sẽ quan tâm phát triển du lịch sinh thái, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện tốt để đồng bào Mông ở đây ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
“Cùng với việc bố trí khu tái định cư, chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp để đưa các loại cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng Trương Công Hiền cho biết.
Theo kết quả giám sát của Ban Dân tộc – HĐND tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 – 2021, toàn tỉnh có 13 dự án đầu tư bố trí dân cư ổn định tập trung, tại chỗ và xen ghép, trong đó có 05 dự án xây dựng khu tái định cư tập trung; 08 dự án bố trí dân cư ổn định tại chỗ, xen ghép để thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cho 415 hộ với 2.490 nhân khẩu. Công tác ổn định dân cư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.