Phát huy vai trò của thầy cô giáo
Có dịp về huyện Than Uyên (Lai Châu), chúng tôi được trò chuyện với cô giáo Hoàng Thị Bắc, giáo viên môn Văn của trường THCS Mường Kim. Cô Bắc chia sẻ, công tác tại một điểm trường mà 100% học sinh là người Thái, hầu hết các em đều sử dụng thành thạo tiếng phổ thông, nhưng trong giờ ra chơi các em vẫn giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy nên ngoài giờ học cô cũng thường giao tiếp với học sinh bằng tiếng Thái.
Trong tiết học cô thường giảng dạy song song tiếng Thái và tiếng phổ thông, bởi vì có rất nhiều câu, từ biểu thị sự vật hiện tượng, khái niệm mà ở địa phương các em không có thì các em không hiểu. Việc dùng thêm cả tiếng dân tộc trong giảng dạy giúp học sinh vô cùng thích thú, các em hiểu bài và nhớ bài lâu hơn.
Đặc biệt, các tiết dạy thành ngữ, tục ngữ cô sẽ tìm những câu tục ngữ, thành ngữ của người Thái có nội dung ý nghĩa tương đương để liên hệ mở rộng, giúp học sinh dễ hiểu bài hơn, nhớ lâu hơn; đồng thời, bồi đắp thêm vốn từ Thái, trong đó có cả tiếng Thái cổ.
Cô Bắc vui vẻ nói rằng, tất cả học sinh Mường Kim đều nói tiếng Thái rất tốt. Tuy nhiên, cô cũng tỏ lo lắng, ngôn ngữ người Thái đủ để biểu đạt mọi sự vật hiện tượng, mọi cung bậc cảm xúc của con người, song thực trạng người Thái mượn, sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp là rất phổ biến. Điều này sẽ khiến người Thái dần dần quên đi tiếng mẹ đẻ. Trong thời gian tới, cô sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao vốn từ Thái cho học sinh.
Đánh thức tình yêu văn hóa
Tại Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), là xã có hơn 50% người DTTS sinh sống, chủ yếu là người Sán Dìu. Những năm qua, kinh tế ở Trung Mỹ tăng trưởng mạnh khi giáp với các khu công nghiệp, và có nhiều dự án đầu tư vào địa phương. Ngược lại với sự tăng trưởng đó, bản sắc văn hóa dân tộc người Sán Dìu cũng ảnh hưởng phần nào, trong đó có việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, ngày càng nhiều người trẻ không biết nói tiếng dân tộc của mình.
Những năm qua, bà Trần Thị Nam, cùng với các thành viên CLB Soọng cô Trung Mầu, dù tuổi đã cao, nhưng với trách nhiệm và tâm huyết với văn hóa dân tộc đã mạnh dạn mở lớp dạy tiếng nói và hát Soọng cô cho thế hệ trẻ.
Theo bà Nam, mỗi thành viên trong CLB phụ trách dạy từ 3 - 5 học viên, cũng chính là con, cháu trong gia đình. Hằng ngày, các học viên sẽ được bố, mẹ, ông, bà nói và dạy tiếng Sán Dìu thông qua sinh hoạt gia đình. Hàng tháng, CLB sẽ sinh hoạt và kiểm tra, ôn lại những nội dung đã học cho các học viên. Thành tích của các học viên cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng của các thành viên trong CLB. Kết quả là, từ năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm học viên được dạy, biết nói và hát Soọng cô Sán Dìu.
Tương tự, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất vùng Tây Nam Bộ; người Khmer chiếm 30% dân số của tỉnh. Cộng đồng dân tộc Khmer có tiếng nói, chữ viết riêng.
Những năm qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã vận động 92 chùa Phật giáo Nam Tông trên địa bàn, duy trì mở lớp dạy chữ Khmer miễn phí cho tăng sinh và người dân. Các sư sãi, chức sắc, Người có uy tín trực tiếp tham gia giảng dạy và vận động đồng bào tạo điều kiện thuận lợi cho con, em học tiếng nói, chữ viết Khmer vào dịp hè.
Theo Thượng tọa Trần Văn Tha, Ủy viên Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, hằng năm, có trên 200 tăng sinh, trên 7.700 sư sãi và con em phật tử học chữ Khmer trong dịp hè.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội, sử dựng các nền tảng YouTube, Fanpage để thực hiện các video ngắn hoặc Live Stream trực tiếp để dạy tiếng nói DTTS và bước đầu đã đạt được những kết quả khá tích cực, thu hút được giới trẻ và những người quan tâm, như: Kênh YouTube: “Yêu văn hóa Mông” dạy tiếng dân tộc Mông, “Thai Sinh Tran”, “Học tiếng Sán Dìu” dạy về tiếng Sán Dìu…
Từ những việc nhỏ nhất, đã có rất nhiều cá nhân, các cộng đồng xã hội đã và đang âm thầm hun đúc tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ, chung tay cùng các cấp, các ngành bảo tồn tiếng nói của các DTTS, góp phần hạn chế xu hướng người DTTS không biết nói, biết viết, biết đọc tiếng của dân tộc mình.
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.
Đến nay, đã có 51 thư viện cấp tỉnh, 541 thư viện cấp huyện, 2.191 thư viện cấp xã tại các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống có đầu sách song ngữ. Nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã quan tâm đến công tác bảo tồn tiếng nói với nhiều cách thức được triển khai có hiệu quả.
Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt, như Sơn La, từ thành công bước đầu đã đặt kế hoạch mỗi năm mở khoảng 9 lớp với 400 học viên.
Còn ở Bình Thuận dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học 4 tiết/tuần. Tỉnh Lào Cai cũng tổ chức dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng DTTS) trong một số trường học trong tỉnh…
Tại Hà Giang, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo bồi dưỡng chữ và tiếng Mông cho hơn 8.000 học viên.
Tại Vĩnh Phúc, một số CLB Soọng cô đã khai giảng lớp dạy tiếng nói cho thế hệ trẻ, thu hút được đông đảo các học viên tham gia. Nhiều nghệ nhân ưu tú đã thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng, bằng việc tuyên truyền các bậc phụ huynh thường xuyên giao tiếp tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hằng ngày; trực tiếp dạy nói, dạy hát cho thế hệ trẻ…
Có thể nói rằng, từ những việc làm có ý nghĩa thiết thực của mỗi cá nhân, mỗi hội, nhóm đến các chương trình, dự án của các cấp, các ngành... đã góp phần bảo tồn tiếng nói các DTTS. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ; thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp căn cơ, phù hợp hơn để việc bảo tồn tiếng nói ở mỗi dân tộc, mỗi địa phương mang lại hiệu quả cao hơn…