Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn Phòng Quốc hội: Cần xây dựng một bộ luật về ngôn ngữ
So với các quốc gia đa ngôn ngữ trên thế giới, thì chính sách ngôn ngữ và việc tạo điều kiện học tập, phổ biến tiếng nói chữ viết DTTS của Việt Nam có từ rất sớm và khá bài bản.
Để nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn ngôn ngữ, theo tôi Nhà nước, Chính phủ cần tập trung nghiên cứu xây dựng bộ luật về ngôn ngữ. Trong đó, quy định rõ vị thế của tiếng Việt và ngôn ngữ các DTTS. Mối quan hệ phát triển ngôn ngữ và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc. Bộ luật cần xây dựng các nguyên tắc giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ. Quy định về chính sách ngôn ngữ và việc dạy, học tập tiếng nói chữ viết các DTTS trong và ngoài nhà trường.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện Phó viện Khoa học giáo dục Việt Nam: Cần có chính sách riêng đào tạo giáo viên ngôn ngữ DTTS
Hiện nay, đội ngũ giáo viên người DTTS cơ bản đều đạt chuẩn về nghề nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, còn những vấn đề bất cập như: theo chuẩn nghề nghiệp, dạy ngôn ngữ dân tộc…
Bài toán đặt ra đối với đội ngũ giáo viên dạy ngôn ngữ DTTS là cần có chiến lược phát triển. Về lâu dài đảm bảo về tăng số lượng giáo viên người DTTS, phân bổ phù hợp theo bản đồ ngôn ngữ, vùng ngôn ngữ dân tộc nào thì bố trí luôn giáo viên người dân tộc đó. Về tiêu chuẩn chất lượng giáo viên cũng cần xây dựng phù hợp với cơ cấu dân tộc cho từng vùng DTTS.
Giáo viên cần được đào tạo một cách bài bản các kiến thức cũng như kỹ năng dạy ngôn ngữ DTTS. Cần nghiên cứu và ban hành chứng chỉ riêng về dạy ngôn ngữ cho đội ngũ này. Cơ quan chức năng cần biên soạn thẩm định sách giáo khoa tiếng dân tộc, danh mục thiết bị dạy học tối thiếu, về phương pháp, nội dung dạy học. Từ đó giúp đội ngũ giáo viên đi vào hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Ông Hà Đức Đà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục Dân tộc: Cần tăng cường giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ
Trước hết, về mặt tiếp cận thông tin, các trường học cần sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là ngôn ngữ thứ nhất như hiện nay. Để trẻ có thể sử dụng tiếng Việt tốt trước tiên phải dạy trẻ sử dụng tiếng mẹ đẻ tốt.
Về mặt thực tiễn, giáo dục song ngữ ở Việt Nam đã có từ lâu. Vào những năm 1955-1960, Việt Nam áp dụng mô hình song ngữ chuyển tiếp sớm. Tức là từ lớp vỡ lòng đến lớp 1, lớp 2; ngôn ngữ dạy học là tiếng mẹ đẻ của học sinh. Tiếng Việt dạy 2 kỹ năng là nghe, nói. Đến lớp 3, lớp 4: ngôn ngữ dạy học là tiếng Việt. Đến giai đoạn 1961-1980, Việt Nam áp dụng mô hình song ngữ lưỡng đôi. Lớp vỡ lòng trẻ chỉ học đọc viết tiếng mẹ đẻ. Lên lớp 1 trẻ học đọc, viết tiếng Việt. Từ lớp 1 đến lớp 4, ngôn ngữ dạy học sử dụng đồng thời cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Tiếp theo giai đoạn 1998-2004, chúng ta áp dụng mô hình dạy song ngữ như một chuyển ngữ. Kỳ 1 lớp 1, chúng ta dạy trẻ bằng tiếng mẹ đẻ. Kỳ 2 lớp 1 học sinh học đọc, viết tiếng Việt. Tuy nhiên, tất cả các mô hình này đều đã bộc lộ các hạn chế khó áp dụng.
Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Tức là, ngôn ngữ, chữ viết tiếng mẹ đẻ được coi như một môn học và dạy trong 6 năm đầu. Tiếng Việt được dạy từ từ và dần sử dụng làm ngôn ngữ dạy học các môn khác. Qua quá trình thử nghiệm, tôi thấy đây là một mô hình phù hợp. Mô hình đã khắc phục được hạn chế cắt đoạn của các mô hình trước đó. Thời gian tới, chúng ta cần nhân rộng mô hình này.
Bà Nguyễn Thị Tú, Giám đốc Chương trình Quốc gia AEAI: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Vấn đề dạy ngôn ngữ, chữ viết cho trẻ không thể chỉ đặt lên vai các giáo viên mà cần sự chung tay của cả xã hội. Trước hết, bố mẹ cần tham gia trong việc giáo dục trẻ. Nhất là những năm đầu đời, bố mẹ cần giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Chúng ta cũng có thể, thành lập các hội phụ huynh về ngôn ngữ. Các hội này vừa trao đổi thông tin với nhau, vừa có thể phân công tới giúp giáo viên trong việc dạy ngôn ngữ cho con em mình ở trường học.
Chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông cần tăng cường đầu tư xây dựng tài liệu tham khảo, tài liệu truyền thông bằng tiếng DTTS. Đa dạng hóa các kênh truyền thông bằng tiếng DTTS, bao gồm cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Các tài liệu này cần được phát triển trên cơ sở phát huy hoặc gần gũi với tri thức bản địa, kiến thức địa phương.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA): Cần đẩy mạnh phương pháp giáo dục tích cực/lấy trẻ làm trung tâm
Qua khảo sát chúng tôi thấy, tỷ lệ giáo viên miền núi được tiếp cận phương pháp giáo dục tích cực/ lấy trẻ làm trung tâm hiện rất thấp, mới có 52% giáo viên được đào tạo về phương pháp này.
Để giải quyết bài toán này, chúng ta cần đầu tư đào tạo cho giáo viên phương pháp mới giáo dục tích cực. Đồng thời, có cơ chế đầu tư kinh phí để hỗ trợ giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, cuộc sống hằng ngày ở chính địa phương dạy học để họ tìm được và chọn lọc nội dung đưa vào chương trình học. Bên cạnh đó, giáo viên cần tích cực tìm hiểu khả năng của từng học sinh. Từ đây, xây dựng kế hoạch, phương pháp tiếp cận phù hợp với các học sinh.
HIẾU ANH