Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đang phát huy tốt vai trò dẫn dắt kinh tế hộ, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ sang tập trung, chú trọng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch định hướng giai đoạn 2020 - 2025, Tây Ninh sẽ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng gồm: Lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, lợn, dê, gà.
Bao gồm: Vùng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 35 - 50 ha; vùng sản xuất rau màu hữu cơ có diện tích khoảng 15 - 28 ha; vùng sản xuất cây ăn trái hữu cơ có diện tích khoảng 40 - 63 ha. Vùng sản xuất cây dược liệu hữu cơ có diện tích khoảng 2 - 5 ha. Vùng chăn nuôi lợn hữu cơ có số lượng đạt trên 250 con. Vùng chăn nuôi bò hữu cơ đạt trên 250 con. Vùng chăn nuôi dê hữu cơ đạt trên 1.500 con. Vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ đạt trên 60.000 con.
Cũng theo kế hoạch, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Tây Ninh triển khai nhân rộng các mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn với chỉ tiêu cụ thể như sau: Vùng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích khoảng 70 - 110 ha. Vùng sản xuất rau màu hữu cơ có diện tích khoảng 40 - 85 ha. Vùng sản xuất cây ăn trái hữu cơ có diện tích khoảng 75 - 170 ha. Vùng sản xuất cây dược liệu hữu cơ có diện tích khoảng 8 - 10 ha. Vùng chăn nuôi heo hữu cơ có số lượng đạt trên 500 con. Vùng chăn nuôi bò hữu cơ có số lượng đạt trên 500 con. Vùng chăn nuôi dê hữu cơ đạt trên 2.500 con. Vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ đạt trên 100.000 con.
Việc triển khai kế hoạch này nhằm thực hiện Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và phát huy thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.
(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)