Chính sách nhân văn
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang lồng ghép tín dụng chính sách với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) nhằm giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố của xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn một cách thuận lợi, kịp thời. Từ nguồn vốn trên, Vĩnh Phúc đã giúp cho hơn 190.000 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn, tạo việc làm cho trên 131.000 lao động, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục tới trường. Hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 339 nghìn công trình nước sạch và hơn 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từ đó từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp trong triển khai các chương trình tín dụng CSXH.
Phao cứu sinh giúp người dân thoát nghèo
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tập trung rà soát, thống kê số hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay vốn, để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các đối tượng chính sách.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tạ Ngọc Thảo cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giao trách nhiệm cho từng phòng, ban, các phòng giao dịch thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đến nay, công tác bảo đảm nguồn vốn vay, công tác cho vay đều đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ. Việc được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp nhiều hộ vay vốn xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng theo Giám đốc Tạ Ngọc Thảo, nhìn chung, thông qua các hội, đoàn thể, nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích và trở thành “cần câu” cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cải thiện sinh kế. Từ nguồn vốn vay, người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất phát triển kinh tế. Ngoài vay vốn phát triển kinh tế, các hộ dân ở còn được vay vốn để làm công trình vệ sinh, nước sạch, bảo đảm môi trường sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Là một trong những xã tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách được các cấp, các ngành triển khai hiệu quả, đời sống của người dân xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) từng bước được nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ khó khăn trong xã đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương hiện chỉ còn khoảng 3%.
Điển hình như gia đình anh Lương Văn Man, trú tại thôn Phân Lân Hạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, một hộ dân đồng bào DTTS đã từng bước thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng. Cụ thể, năm 2010, anh vay của Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo 15 triệu đồng để đầu tư mua bò, xây dựng chuồng trại. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền về kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh Man sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình anh Man đã thoát nghèo, thu nhập ổn định và có tích lũy, trả hết nợ ngân hàng.
Tới năm 2014, sau khi thoát nghèo, anh Man tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện Tam Đảo cho vay 50 triệu đồng đầu tư mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi trên diện tích đất khoảng 2 ha. Đến nay, gia đình anh Man đang trồng khoảng 300 gốc bưởi diễn, 100 gốc cây cam đường, 120 gốc nhãn và 300 gốc mít. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình anh.
Hay trường hợp của gia đình ông Triệu Văn Đại (trú tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo). Năm 2019, qua tìm hiểu các chương trình cho vay tín dụng của Ngân hàng CSXH dành cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình ông đã làm hồ sơ đề nghị và được tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, ông Đại cùng người thân đầu tư chuồng trại, mua con giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tổng đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông không ngừng tăng lên về số lượng. Với nguồn thu ổn định, gia đình ông đã thoát nghèo và hiện là hộ có kinh tế khá giả tại địa phương.
Ông Tạ Ngọc Thảo, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị sẽ tập trung tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và các hoạt động của các hội, đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.