Ở thị trấn Khe Sanh, mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm Farmstay của gia đình ông Hồ Văn Hinh là một điển hình. Với diện tích 7ha trước đây trồng cà phê, sau thời gian dài canh tác hiệu quả không cao, ông Hinh quyết định chuyển đổi theo hướng xây dựng trang trại nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch trải nghiệm.
Bước đầu, trang trại của gia đình ông Hinh có 5 hồ cá, với tổng diện tích trên 1ha. Cùng với đó, ông chăn nuôi lợn rừng, bò, gà, vịt; trồng các loại cây ăn quả như dứa, cam, chanh, bưởi, bơ, mít, thanh long ruột đỏ, táo. Hiện tại, gia đình ông đã ươm trồng số lượng lớn giống hoa sim rừng và mận trắng để trồng trên triền dốc, ngay trước mặt trang trại để phục vụ khách du lịch khi mô hình này hoàn thành.
Với quy mô vườn - ao - chuồng khép kín, nguồn nước tự nhiên sẵn có, nên trang trại của gia đình ông phát triển thuận lợi. Đặc biệt là, với cách làm vườn không sử dụng hóa chất, bảo đảm chất lượng, nên sản phẩm từ trang trại này luôn ổn định đầu ra.
Ông Hinh dự định, mô hình trang trại này, không dừng lại ở mục đích cung cấp nông sản sạch, mà sẽ phát triển mô theo mô hình du lịch Farmstay, phục vụ khách du lịch trải nghiệm các hoạt động tại đây như thu hoạch và thưởng thức nông sản sạch, ngắm cảnh...
Theo đó, hiện tại gia đình ông đang triển khai xây dựng hệ thống nhà nghỉ chân, điểm vọng cảnh, cùng các mô hình phụ trợ khác. Với mô hình này, bước đầu cho gia đình ông doanh thu khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Kỳ vọng thu nhập sẽ được nâng cao hơn, khi trang trại được hoàn thiện.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện hiện còn có hàng trăm trang trại khác đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện trên 20 mô hình sản xuất mới, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, giúp nông dân có hướng thoát nghèo.
Có thể kể đến các mô hình như: Ứng dụng công nghệ OBi-Ong biển, cải tạo vườn cà phê già cỗi liên kết theo chuổi giá trị được triển khai thực hiện tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, với diện tích 9 ha; mô hình nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo, triển khai thực hiện ở các xã: Tân Thành, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp; mô hình nuôi hươu khai thác nhung của bà Hồ Thị Thanh ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, với số lượng 20 con; mô hình trồng cây Sa nhân tím làm dược liệu dưới tán rừng phục hồi, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng, cho 11 hộ ở xã Hướng Tân và Hướng Phùng…
Theo ông Bình, triển vọng nâng cao mức sống, nguồn thu nhập từ phát triển những mô hình nông, lâm nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay đối với việc xây dựng các mô hình là, nguồn kinh phí đầu tư hạn chế; sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, giá cả thị trường biến động, chưa có liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, làm ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất chưa mạnh dạn tham gia thực hiện; trong khi đó cũng chưa có nhiều tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư kinh phí đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm... nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gây sức ép trong tiêu thụ...
Do vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, chú trọng đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện triển khai xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam, với diện tích khoảng 160ha tại xã Hướng Phùng.