Thực tế cấp thiết!
Cây cà phê được trồng ở vùng đất Hướng Hóa (Quảng Trị) từ thời Pháp thuộc, một thời gian dài là cây trồng chủ lực đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. Theo thống kê, những năm qua, trên địa bàn có hơn 8.000 hộ tham gia trồng cà phê, trong đó khoảng 50% là người Bru Vân Kiều.
Tuy nhiên, với phương pháp canh tác truyền thống, thời gian quá lâu không đổi mới, những vườn cây cà phê ở địa phương đã già cỗi, năng suất thấp, người dân không mặn mà; thậm chí vào những năm 2017 trở về trước, đã có không ít hộ gia đình phải chuyển đổi cây trồng, phá bỏ cà phê để trồng các loại khác.
Bên cạnh đó, thực trạng sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Số lượng nhà máy chế biến được cấp phép hoạt động tràn lan, chưa tính đến khả năng đáp ứng của vùng nguyên liệu. Điều này đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán.
Điều đặc biệt nguy hại hơn, là thương lái thu mua sản phẩm không đạt chất lượng (cà phê chưa đủ độ chín, ngâm nước, tỷ lệ tạp chất cao...), dẫn đến mất uy tín của sản phẩm cà phê Khe Sanh. Quy trình trồng, chế biến, mua bán nhộm nhoạm đã tạo ra tâm lý không quan tâm đến chất lượng của người trồng và cả người chế biến cà phê… Chính điiều này vô hình chung đã thu hẹp đầu ra cho cà phê Khe Sanh, đồng thời, tạo ra con đường ngắn nhất đẩy ngành trồng cà phê ở Hướng Hóa đến thoái trào!
Cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Hướng Hóa, của tỉnh Quảng Trị bị giảm sút về diện tích và có nguy cơ “xóa sổ”. Đó là một thực trạng đáng buồn ở vùng đất bazan màu mỡ mà người Pháp đã phát hiện là rất phù hợp để trồng cây cà phê, đặc biệt là giống cà phê Arabica (còn gọi là cà phê chè).
"Vực dậy" cây cà phê đặc sản
Trước thực tế cấp thiết trong việc duy trì và phát triển hơn nữa cây cà phê, ngày 24/4/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê gia đoạn từ 2017 - 2020, tính đến 2025”. Đề án đã kịp thời “vực dậy” loài cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, cải thiện đời sống đồng bào người DTTS một cách rõ rệt.
Với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng, Đề án triển khai tại 10 xã trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa, với mục tiêu từng bước giảm diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng tái canh và biện pháp cưa đốn cải tạo. Sử dụng giống cà phê đảm bảo tiêu chuẩn, có năng suất chất lượng cao, thích nghi với điều kiện sinh thái của từng khu vực. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê.
Đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê” ở Quảng Trị, được đánh giá là một đề án có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, có sự phối hợp rất chặt chẽ với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Khoa học và Công nghệ; các viện, tổ chức phi chính phủ… trong việc đầu tư, hỗ trợ người trồng, áp dụng khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc cây cà phê cũng như kỹ thuật chế biến sản phẩm để tăng cao giá trị kinh tế cho cà phê.
Nhờ đó, đã khuyến khích đồng bào DTTS vùng Đông Trường Sơn mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, dần “tái sinh” diện tích cà phê già cỗi, cũng như trồng mới thêm nhiều diện tích bằng cây giống đảm bảo chất lượng.
Cây cà phê Arabica khi được trồng ở vùng Hướng Hóa, đặc biệt là ở xã Hướng Phùng có mùi, vị rất đặc biệt. Cũng chính giống cà phê Arabica này, trong cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021, cà phê Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vinh dự được giải nhất cuộc thi ở loại cà phê Arabica.
Đây là cơ hội lớn để cây cà phê ở Quảng Trị nói chung và vùng cà phê đặc sản ở Hướng Hóa thực sự “tái sinh” và phát triển bền vững. Những nhà khoa học, doanh nghiệp vẫn đang cùng với người Bru Vân Kiều chung tay xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Arabica.
Bài 2: Đồng bào Bru Vân Kiều làm nên thương hiệu cà phê Arabica ở Quảng Trị.