Cơ hội xuất khẩu cà phê ra thế giới
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cần được hỗ trợ giải cứu, trong khi đó, cà phê dù sản lượng xuất khẩu có giảm nhưng không đáng kể.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê nước ta ước đạt 271.000 tấn, tương ứng với 474 triệu USD, giảm 18% về lượng; và hơn 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là cà phê xuất thô, còn giá trị cà phê qua chế biến đang có nhiều dấu hiệu tích cực, mang đến những cơ hội cho người trồng cà phê Việt Nam.
Anh Nguyễn Đức Huề, xã Ia Hrung, Ia Grai, Gia Lai chia sẻ: “Với phương thức canh tác mới, không dùng thuốc diệt cỏ, dùng phân bón và chăm sóc đúng cách, tôi vừa tiết kiệm được chi phí mà vẫn tăng năng suất cây trồng. Cây cà phê tôi đang trồng được 5 năm, cho thu hoạch ước đạt 5 tấn nhân/ha, sang năm thứ 7 có thể lên đến 7 tấn/ha”.
Được biết, Châu Âu đang là thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu càphê sang EU đạt 1,2-1,4 tỉ USD/năm trong 5 năm qua). Đặc biệt, kể từ khi tham gia Hiệp định ECFTA, xuất khẩu cà phê đã được hỗ trợ bởi hiệp định này. Khi xuất khẩu sang Châu Âu đã được xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 – 11% xuống 0%); các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0%, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vùng sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Bzazil giảm mạnh về số lượng, còn Việt Nam là vùng sản xuất đứng thứ 2 thế giới, lại khống chế tốt dịch bệnh và duy trì sản xuất ổn định nên đã tạo ra cơ hội để Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
"Chính việc nguồn cung giảm, sẽ giúp giá trị cà phê được tăng cao, tuy nhiên để bền vững, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê cũng cần phải thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới", ông Toản nhận định.
Thay đổi phương thức sản xuất
Nắm bắt xu thế thị trường, nhiều đơn vị sản xuất cà phê trong nước đã thay đổi phương thức sản xuất, trong đó khâu liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân được thắt chặt cả về quy trình trồng, chăm sóc, đến thu hoạch và chế biến. Qua đó, nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Điển hình cho sự thay đổi đó, là trên tổng diện tích 600.000 ha cà phê tại Tây Nguyên, đã có đến 50% diện tích trồng cà phê chuyển đổi theo hình thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, qua đó nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến cho các thị trường khó tính trên thế giới.
Để nâng cao giá trị cà phê Việt, các công ty cà phê đã chuyển hướng từ xuất thô sang đa dạng nhiều mặt hàng. Hiện cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Nhờ đó, các sản phẩm cà phê không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường quốc tế.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp Gia Lai cho biết: “Trước đây, hầu hết là sản xuất thô, giá trị cà phê không cao. 3 năm nay, Công ty đầu tư thiết bị rang xay cà phê chuyển hướng sản xuất cà phê hữu cơ theo công nghệ Châu Âu nên giá trị đã tăng đáng kể. Để sản xuất cà phê hữu cơ, cho ra những sản phẩm cà phê chất lượng, thì hạt cà phê được thu hoạch phải đạt độ chín từ 95% trở lên. Trải qua 4 khâu sàng lọc, mới có thể cho về kho lạnh và đưa vào chế biến, đóng gói và xuất khẩu”.
Hiện nay, ngoài nông trại cà phê organic rộng 45 ha, Công ty đã liên kết với 4.000 hộ dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C trên diện tích gần 5.000 ha. Sử dụng công nghệ rang xay hiện đại hàng đầu Châu Âu, công ty cho ra đời sản phẩm cà phê mang thương hiệu L'amant Café, đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng khác nhau. Trung bình mỗi năm, Công ty Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê, mang về kim ngạch khoảng 150 triệu USD.
Cho đến thời điểm này, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 2 thị trường nhập nhiều cà phê Việt Nam nhất là Đức và Mỹ. Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD. Để cà phê Việt Nam xuất khẩu bền vững, việc các doanh nghiệp đang thay đổi phương thức sản xuất, phù hợp với thị trường, nâng cao chất lượng, cải tiến phương thức chế biến là hướng đi đúng.