Theo đó, Lễ cấp sắc của cộng đồng dân tộc Nùng ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn vẫn giữ được bản sắc riêng. Đây là nghi lễ độc đáo bao đời nay của người Nùng, mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng tính giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con cháu tới chân - thiện - mỹ.
Tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay. Mỗi dân tộc là một bức tranh đầy màu sắc, đa dạng không chỉ về ngôn ngữ mà còn cả những nét đặc trưng về truyền thống văn hóa, lịch sử hình thành phát triển…Giống như các dân tộc khác, dân tộc Nùng sinh sống ở Bắc Kạn cũng có những nghi lễ riêng.
Điển hình như nghi lễ cấp sắc của dân tộc Nùng (còn gọi là lẩu Pụt), là nét văn hóa tinh thần mang tính tâm linh, huyền bí riêng của người Nùng, phản ánh những tinh hoa văn hóa được đúc kết, trao truyền với bao tâm huyết của các nghệ nhân dân gian. Đây là một thủ tục công nhận sự trưởng thành của người nam giới ở cộng đồng đó, có đủ điều kiện để tham gia thực hành các nghi lễ tín ngưỡng theo phong tục.
Trải qua thời gian, nhiều nghi thức trong lễ cấp sắc của cộng đồng người Nùng ở Bắc Kạn đã được giản lược, cải tiến theo hướng ngày một thuận tiện và phù hợp với đời sống hiện tại. Song, nghi lễ này vẫn được các thế hệ trong gia đình của người Nùng tổ chức thường xuyên và trao truyền cho nhau.
Hiện nay, lễ cấp sắc của người Nùng được tiến hành 1 lần trong chu kỳ vòng đời và diễn ra trong 02 ngày. Đối với dân tộc Nùng, lễ cấp sắc là một sinh hoạt không chỉ đối với riêng gia đình tổ chức mà còn là dịp vui chung của cộng đồng.
Nghệ nhân Nông Văn Hồ (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) - người đã thực hành nhiều lễ cấp sắc cho biết: “Lễ cấp sắc cần có sự phối hợp hành lễ của các thầy là thầy Tào, thầy Pụt và thầy Mo. Lễ cấp sắc lần đầu tiên cho một đệ tử là minh chứng cho một người có căn duyên thực hành các nghi lễ tín ngưỡng được chứng nhận đủ khả năng để hành nghề thầy Pụt trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Nùng”.
Trong lễ cấp sắc này, gia đình người được cấp sắc mời thầy Pụt cả, thầy Tào cả và thầy Mo. Các thầy Tào khác giúp việc cho thầy Tào cả do thầy Tào cả mời, thầy phụ giúp việc cho thầy Pụt cũng do thầy Pụt chính tự đi mời. Người giúp việc cho thầy Mo do thầy Mo mời. Thầy Pụt cả giữ vai trò chủ trì chính trong lễ cấp sắc và cũng là người bảo trợ nghề nghiệp cho đệ tử được cấp sắc đó.
Thầy Pụt phải chuẩn bị các đồ mã dùng trong các nghi lễ và tiến hành lễ cấp sắc, gồm: Dê, lợn, gà, vòng giải hạn, vải đỏ, hương, gạo tẻ, rượu, nón, bánh dày, bát nhỏ, bát to, giấy màu các loại và vải trắng. “Theo quan niệm của người Nùng, những người làm nghề Pụt là làm việc của thần thánh. Do đó, để lấy được lòng tin của cộng đồng, trước tiên họ phải làm thủ tục thụ nghề, để chính thức vào đội ngũ quan chức nhà trời, thực hiện nhiệm vụ thay trời cứu nhân độ thế”, nghệ nhân Nông Văn Hồ cho biết thêm.
Cũng theo nghệ nhân Nông Văn Hồ, lễ cấp sắc là một trong những việc lớn của người Nùng. Để lễ cấp sắc được suôn sẻ thì công việc phải được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Ngày tháng hành lễ cũng được các thầy xem xét rất kỹ lưỡng. Trước khi được cấp sắc, người được cấp sắc phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người.
Một tháng trước đó, người được cấp sắc phải tuân theo nhiều quy tắc và chuẩn bị nhiều đồ lễ, thực phẩm. Không chỉ có người trong gia đình, mà hai bên nội ngoại, con cháu trong dòng họ cũng phải giúp sức để cùng thực hiện các phần việc trong nghi lễ.
Đến ngày diễn ra lễ cấp sắc, trong ngôi nhà sàn truyền thống, anh em họ hàng gần xa tề tựu đông đủ, bà con hàng xóm đến chứng kiến buổi lễ. Khi các thầy bắt đầu hành lễ, lúc này trong nhà rộn ràng tiếng xáu mặc (chùm chuông đồng của người hành lễ). Để tiến hành lễ cấp sắc Pụt phải trải qua nhiều bước với nội dung là báo cáo với tổ tiên gia chủ, báo các vị thánh, quan chức nhà trời về một việc lớn của gia đình. Thầy Pụt mở đường lên trời để đón tổ sư, tổ tiên gia chủ xuống dự lễ, cúng giải xung, giải hạn cho gia chủ, gồm các lễ nhỏ sau: Báo tổ tiên, báo ngọc hoàng, dâng lễ, dâng hương. Mục đích của việc thực hiện các nghi lễ này, là tống tiễn những cái xấu đi, đón cái tốt đẹp đến, nhằm làm phong quang cửa nhà của người được cấp sắc.
Trong ngày thứ hai là Lễ cấp sắc chính thức: Thầy Tào, thầy Pụt và thầy Mo cùng phối hợp thực hiện gồm các lễ nhỏ như sau: Lễ sinh ra con hương, lễ quá hồng, lễ cấp đồ nghề cho đệ tử, lễ đọc sắc phong, giải hạn, khao quân, tiễn thánh.
Sau những thủ tục báo cáo, các thầy lần lượt làm các thủ tục tượng trưng như lễ sinh con hương, đây là thủ tục bắt đầu một giai đoạn quan trọng trong lễ cấp sắc. Tấm vải đỏ được các thầy bậc cao chuẩn bị (tượng trưng cho sự khó nhọc như lúc người mẹ sinh ra con) khi tấm vải được cắt đứt con hương nằm xuống sàn, thầy khác lấy chăn phủ lên người con hương như một động tác đón nhận và che chở cho đứa con mới được sinh ra. Sau đó, các thầy di xung quanh con hương đọc lời cúng, người được thụ lễ tức là con hương tiếp tục được các thầy chải đầu, cắt tóc, sau đó lấy kim châm vào đầu như thể dặn dò đứa con sinh ra sáng suốt tỏ tường mọi việc
Các thầy phân chia ra để làm lễ khấn khác nhau như: Thỉnh cầu các bậc thần linh cấp phép cho người thụ lễ, cúng khấn tổ tiên gia đình cầu cho mùa vụ thành công, cầu sự phù hộ an lành cho người được cấp sắc. Đây cũng là lúc người được cấp sắc nghe lời giáo huấn với những điều cấm và điều nguyện, sống tốt đời đẹp đạo khi trở thành thầy Pụt, thầy Tào.
Sau khi thực hiện xong lần lượt các phần việc của lễ cấp sắc, cuối cùng các thầy làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ cho phép các thầy làm lễ cấp sắc và ban phát quà cho người được cấp sắc. Kể từ đây, người được thụ lễ đã được coi như một người hoàn thiện về đạo đức cũng như tâm linh.
Các thầy cúng người Nùng cũng cho biết: Những bài cúng, bài khấn và cả bài hát trong lễ cấp sắc nói lên khát vọng của con người, mong muốn có một cuộc sống sung túc hay thể hiện những quan niệm về đạo đức, sự tôn kính cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng và cách đối nhân xử thế...
Có thể thấy, lễ cấp sắc thực chất là một cuộc đại diễn xướng, bởi nó tập trung nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn như: Hát Then, khí cụ, sân khấu nhập đồng, trò diễn, nhảy múa. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của Lễ cấp sắc của người Nùng.
Ông Lương Thanh Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì, Bắc Kạn cho biết: “Lễ cấp sắc của người Nùng ở Bắc Kạn là nét văn hóa độc đáo và thú vị mang đậm bản sắc văn hóa riêng của người Nùng, chứa đựng quan niệm giáo dục to lớn, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con cháu tới chân - thiện - mỹ. Bảo tồn và phát triển nghi lễ này, cũng chính đã góp phần phát triển nhân cách con người trong cộng đồng Nùng ở địa phương”. Có thể nói, lễ cấp sắc là một nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của người Nùng ở Bắc Kạn đang được đồng bào lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống rất đáng trân trọng.