Sự trì trệ, lạc hậu, không theo kịp bước phát triển của thời đại đang là thách thức lớn, đòi hỏi kịch Việt phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ.
Sức hút của kịch nói ngày càng giảm sút
Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng các đơn vị Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ... đã cùng chung tay dàn dựng vở Chén thuốc độc của cố tác giả Vũ Đình Long - vở diễn đầu tiên có kịch bản do người Việt viết, đánh dấu sự ra đời chính thức của kịch nói. Từ đó đến nay, sân khấu kịch đã khẳng định là một trong những ngành nghệ thuật tiên phong khi có nhiều ưu thế phản ánh trực diện hiện thực cuộc sống. Có những giai đoạn mà người xem rồng rắn xếp hàng trước cửa rạp, thậm chí mua cả vé chợ đen để được thưởng thức những Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt, Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Đợi đến mùa xuân, Bệnh sĩ, Cuộc đời tôi… Có những vở mỗi ngày phải diễn tới 4-5 suất để áp ứng yêu cầu của khán giả, khi mà người ta xem kịch như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Nghĩ về sân khấu kịch của một thời vàng son, chúng ta có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi “đình đám” như: Tác giả Lưu Quang Vũ, Xuân Trình; Đạo diễn Thế Lữ, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng, NSƯT Đoàn Anh Thắng… Còn ngày hôm nay, kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng khiến những vở kịch cứ nối tiếp ra đời với mô típ và cách dàn dựng na ná nhau, mờ nhạt, không cho người xem cái cảm giác phải nóng bừng lên, phải hoà mình vào những tình tiết, phải sống với hoàn cảnh và số phận của từng nhân vật trên sân khấu.
Vì sao sân khấu kịch nói ngày hôm nay không còn sức hấp dẫn như những giai đoạn phát triển huy hoàng trước đây? Khác với những thể loại nghệ thuật khác, công chúng của kịch nói đòi hỏi tác phẩm phải bám sát được hơi thở của xã hội đương đại với những mới mẻ, sinh động và lôi cuốn. Nhưng trên thực tế, những vở diễn như vậy còn quá hiếm hoi, trong khi các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao và nhiều loại hình giải trí hấp dẫn ồ ạt xuất hiện làm cho sức hút nghệ thuật truyền thống nói chung, của kịch nói nói riêng ngày càng giảm sút. PGS.TS Phạm Duy Khuê còn cho rằng: “Không chỉ thiếu kịp thời nắm bắt trình độ nhận thức và xu thế giải trí của công chúng trẻ, mà một bộ phận những người làm sân khấu kịch vẫn bằng lòng một cách tự mãn, sáo mòn và quẩn quanh với lối tư duy trong quá khứ, thậm chí, họ còn rất đắc ý về số lượng tác phẩm đã và đang sản xuất ra của mình, mà không biết rằng hiện thực và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đang thay đổi và sân khấu cũng cần phải thay đổi để phù hợp”.
Trong khi đời sống đang tồn tại nhiều điều nhức nhối như vấn nạn tham ô, tham nhũng, cảnh gia đình máu mủ tương tàn vì tranh giành đất đai, nhà cửa; cảnh vợ chồng xô xát, con cái hư hỏng hỗn hào... Ở chiều hướng tích cực, xã hội cũng đang đầy ắp những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp, cảm động về sự chia sẻ, nghĩa đồng bào, những tấm gương hy sinh vì cộng đồng… Hiện thực ngồn ngộn tư liệu sống ngoài kia chính là nguồn cảm hứng vô tận cho sân khấu kịch nhưng lại không được đề cập hoặc có nhưng không chuyển tải được rõ nét, chân thực. Rõ ràng chúng ta đang thiếu những nhà biên kịch tài năng, những “phù thủy” sân khấu. Từ ngày nhà biên kịch Lưu Quang Vũ mất đi, đã qua cả một chặng đường dài 30 năm có lẻ với bao trông ngóng mòn mỏi, chúng ta vẫn chưa tìm thấy một gương mặt xuất sắc để thay thế?!
Vì sao cứ mãi “ăn mày dĩ vãng”?
NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn được giao dàn dựng tác phẩm Chén thuốc độc thổ lộ: “Tôi có cảm giác lực lượng tác giả sân khấu hôm nay viết kịch bản vì nhu cầu cá nhân của họ chứ không phải để phục vụ công chúng. Đó là lý do mà nhiều nhà hát đã phải dựng lại những kịch bản cũ. Chúng ta đang thiếu một thế hệ tác giả kế cận có thể viết được những kịch bản mang tính thời đại và có giá trị lâu dài như các tác giả trước đây. Hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều tổ chức các trại sáng tác, tuy nhiên, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một vài cái tên quen thuộc tham gia, có khi kịch bản đã được viết từ rất lâu, họ mang ra xào xáo và đặt lại tên theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Vậy thử hỏi làm sao có được những kịch bản nóng bỏng tính thời sự?”.
Đạo diễn, NSƯT Trần Lực, người được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020 nhận định: “Tôi cho rằng sân khấu kịch trở nên lạc hậu, tụt dốc chính là do nhận thức về sáng tạo của người nghệ sĩ. Với nghệ thuật thì dấu ấn sáng tạo cá nhân là vô cùng quan trọng, thì đây chính là cái mà chúng ta đang thiếu. Chưa kể rằng, từ tác giả cho tới người quản lý các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự tạo ra ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là “nhạy cảm”. Hãy làm nghệ thuật với cái tâm sáng và đừng tự bào mòn đi cái tôi của chính mình. Vì sao sân khấu kịch giậm chân tại chỗ và ngày càng mất đi khán giả? Tôi thực sự tin khán giả vẫn còn yêu sân khấu. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta thế nào và chúng ta có hiểu được khán giả đang muốn gì?”.
Có thể thấy, sân khấu kịch nói đang đứng trước đòi hỏi phải có sự vận động, đổi mới từ tư duy của người sáng tạo cho tới cơ sở vật chất, nhà hát. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cho biết, anh đã từng đi thực tế tìm hiểu sân khấu của nhiều quốc gia và thấy rằng việc chú trọng đầu tư cho các nhà hát của họ là rất lớn. Đạo diễn dẫn ra ví dụ khi tới tìm hiểu sân khấu Nhật Bản, họ đầu tư kinh phí xây dựng một nhà hát lên tới trên 200 triệu đô la, không chỉ để biểu diễn nghệ thuật mà còn là một quần thể văn hoá, kiến trúc với rất nhiều tính năng hiện đại. Được nhìn ngắm một công trình kiến trúc hoành tráng dành cho nghệ thuật biểu diễn, chắc hẳn không chỉ NSƯT Như Lai mà tất cả những người làm nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng đều chạnh lòng, ao ước.
Sân khấu kịch nói hôm nay, đặc biệt ở khu vực phía Bắc đang mang diện mạo nửa bao cấp, nửa thị trường. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đầu tư kinh phí quá eo hẹp, nhiều vở diễn ra đời được một thời gian ngắn ngủi để rồi “cất kho”, và quan trọng hơn cả là không có kịch bản hay thì đạo diễn dẫu có tài năng cũng khó có thể vùng vẫy và phát huy sáng tạo. Tất cả như đang trong cảnh chợ chiều hiu hắt!
Dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu kịch Việt Nam cũng là lúc những người làm nghệ thuật cần thức dậy sau một giấc ngủ dài, nghiêm túc hoạch định con đường đi mới với những xu hướng mới cho sân khấu kịch nói. Muốn tồn tại, phát triển thì kịch Việt phải vận động, phải đổi mới để nâng cao chất lượng về mọi mặt. Dẫu biết để thay đổi không phải là chuyện một sớm, một chiều, nhưng không vì thế mà những người quản lý nghệ thuật cũng như giới nghệ sĩ cứ mãi làm nghề theo kiểu được chăng hay chớ, buông xuôi…/.