Điều chỉnh thủ tục
Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tính đến tháng 8/2023, có 396 tổ chức PCPNN hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; còn trong năm 2022, có 436 tổ chức. Trước đó, trong năm 2019, cả nước có 504 tổ chức PCPNN.
Cùng với các nguồn đầu tư nước ngoài khác, nguồn viện trợ PCPNN đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, nhất là ở các địa phương miền núi, có đông đồng bào DTTS. Tuy nhiên, công tác PCPNN vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có rào cản từ thủ tục hành chính.
Đầu tiên là khó khăn trong công tác quản lý các tổ chức PCPNN. Theo Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 1/3/2012 về đăng ký và quản lý về hoạt động PCPNN tại Việt Nam thì các bộ, ngành, địa phương và đối tác Việt Nam không được triển khai hợp tác với các tổ chức PCPNN khi chưa có giấy đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam, các tổ chức PCPNN chưa có giấy đăng ký vẫn được phép triển khai các hoạt động viện trợ.
Một khó khăn về thủ tục cần được sớm tháo gỡ là một số quy định trong Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù phạm vi điều chỉnh của Nghị định là các khoản viện trợ khẩn cấp để cứu trợ hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng thủ tục phê duyệt còn rất phức tạp.
Theo đó, quy trình để tiếp nhận nguồn viện trợ khẩn cấp để cứu trợ được thực hiện qua 3 bước: Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ; phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ; thực hiện tiếp nhận viện trợ; mỗi bước lại phải trải qua nhiều thủ tục. Còn đối với tiếp nhận nguồn viện trợ khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai, quy trình phải thực hiện qua 4 bước, cũng với nhiều thủ tục hành chính rất phức tạp.
Liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, các địa phương – nhất là những địa phương miền núi, thường xảy ra thiên tai và thường phải thực hiện cứu trợ, đề xuất Chính phủ điều chỉnh thủ tục trong tiếp nhận viện trợ PCPNN theo hướng rút gọn. Có những vấn đề cần đảm bảo theo quy định nhưng có những chương trình, dự án không xâm hại đến lợi ích quốc gia dân tộc thì cũng nên tạo cơ chế để địa phương chủ động thực hiện, từ đó thúc đẩy thu hút nguồn viện trợ nước ngoài để giải quyết những vấn đề cấp bách trên địa bàn.
Đa dạng hóa công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khoá IX (tiếp tục triển khai tại Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị), Chính phủ đã ban hành những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, khuyến khích kiều bào đóng góp cho đất nước. Trong Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Bộ Chính trị khó XIII nhận định, việc huy động nguồn lực từ kiều bào đã có những chuyển biến nhờ sự nỗ lực của chính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước; sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị yêu cầu, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” tại Quyết định số 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 đặt mục tiêu tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng; duy trì đà tăng trưởng của kiều hối; thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh phát huy hiệu quả nguồn lực của tri thức người Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy chuyển giao tri thức và kỹ năng; thu hút và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, du học sinh trở về; triển khai hiệu quả các sáng kiến, đóng góp từ thiện nhân đạo, xã hội của các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam; phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ kinh tế - thương mại, văn hóa, xã hội...
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng, tiềm lực của kiều bào ta cả về nhân lực, vật lực, chất xám còn rất lớn, là ngoại lực và cũng là nội lực thúc đẩy phát triển của đất nước. Chúng ta cần thực sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nguồn lực kiều bào trong sự nghiệp phát triển đất nước, coi kiều bào mạnh cũng là đất nước mạnh và ngược lại. Do đó, việc huy động nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài, hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc cí vị trí quan trọng để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.