Nông nghiệp thuận tự nhiên
Gắn bó với nương rẫy từ nhỏ, anh Triệu Văn Chính, dân tộc Tày, thôn Tam Điền, xã Ea Tam, chứng kiến cảnh vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật lăn lóc khắp mọi nơi. Anh thật sự ám ảnh cách làm nông nghiệp lạm dụng hóa chất.
Cùng với một số anh em có chung chí hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, anh Chính tìm hiểu các mô hình canh tác thuận tự nhiên. Anh quyết định chọn mô hình vườn rừng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2017, Chính bắt đầu trồng xen canh các loại bơ, sầu riêng, mắc ca vào vườn cà phê của gia đình theo tỉ lệ phù hợp, để cỏ dại mọc um tùm đến khi cà phê ra hoa, đậu quả mới cắt cỏ đi. Không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, năm đầu tiên sản lượng cà phê giảm gần một nửa.
Một năm để khu vườn phát triển thuận tự nhiên, các loài côn trùng xuất hiện, trong đó có nhiều côn trùng có hại nhưng Chính cứ để chúng tồn tại và tự cân bằng theo chuỗi thức ăn. Song song với việc để vườn phát triển thuận tự nhiên, Chính học hỏi cách làm phân bón vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp.
“Trải qua bao khó nhọc, khu vườn đa cây của tôi dần xanh tươi, năng suất cà phê năm sau cao hơn năm trước. Các loại cây ăn quả, mắc ca căng tràn sức sống, ong bướm về đầy vườn”, Chính chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Hoàng Văn Thanh, dân tộc Nùng, thôn Tam Hiệp, xã Ea Tam có 5ha đất nông nghiệp chuyên canh cà phê. Lúc trước, gia đình cũng dùng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng nhanh suy kiệt, năng suất thấp.
Thanh bắt đầu chuyển hướng canh tác nông nghiệp hữu cơ. Từ kiến thức đã có và tìm hiểu thêm các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, vườn cây đã cho gia đình Thanh thu nhập hàng tỉ đồng.
“Tôi đã chọn được hướng đi cho mình là phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên, giữ nguyên thảm thực vật và trồng xen cây tỏa bóng giữ đất, giữ nước. Phát triển thuận tự nhiên cây trồng, không những không bị nhiễm độc mà đất cũng không bị thoái hóa. Cây phát triển tốt, năng suất ổn định”, Thanh chia sẻ.
Tổ hợp tác của thanh niên DTTS
Tập hợp bạn bè thân hữu cùng chí hướng, Thanh đã đứng ra thành lập nhóm “Anh em nghèo vượt khó” xã Ea Tam, ra đời vào ngày 1/11/2016, với mục đích lắng nghe - học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và học tập cách sống đẹp, sống tốt của nhau.
Thanh cho biết: Nhóm có 9 thành viên đều là dân tộc Tày, Nùng tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng. Dù mỗi người một tính cách, trình độ và công việc khác nhau, người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có bạn chỉ học phổ thông, nhưng tất cả đều chung chí hướng thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp. Các thành viên cùng nhau mày mò nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Thực hành trên chính khu vườn của gia đình, mỗi thành viên phải tự nghiên cứu, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhóm chỉ đóng vai trò định hướng, chia sẻ kinh nghiệm, khơi dậy tinh thần vươn lên của mỗi người. Hằng tháng, nhóm sẽ tổ chức thăm vườn cây của thành viên, hoặc các mô hình phát triển kinh tế hay để mỗi thành viên tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Từ một nhóm phong trào, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sau 4 năm đã phát triển, thành lập Tổ hợp tác thanh niên xã Ea Tam. Hiện nay, Tổ hợp tác có 10 thành viên, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 40ha, phát triển các loại cây chủ lực cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, mắc ca trồng xen canh.
Theo anh Thanh, canh tác theo hướng hữu cơ đòi hỏi nhiều công chăm sóc, nhất là khâu làm phân bón vi sinh. Bù lại, nông dân giảm được 1/3 chi phí đầu tư. Cây trồng vẫn đảm bảo được năng suất mà đất ngày càng màu mỡ. Đặc biệt, nhờ việc giữ nguyên thảm thực vật và trồng xen cây tỏa bóng giữ đất, giữ nước mùa khô hạn, cây trồng của Tổ hợp tác chỉ tưới 1-2 đợt nước.
Điều trăn trở nhất là, sản phẩm của nhóm vẫn bán như giá thị trường, nhóm chưa tìm được đầu ra đúng chất lượng sản phẩm để tăng thu nhập, động viên các thành viên trong tổ hợp tác tích cực sản xuất theo phương pháp mới. Thời gian tới, nhóm dự kiến trồng thêm cam, quýt, và các loại rau, củ, quả nhằm tăng thu nhập và tiếp tục tìm đầu ra xứng tầm cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)