Quan tâm tạo nguồn cán bộ tại chỗ
Tỉnh Thái Nguyên có 110 xã/177 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có 11 xã vùng III (đặc biệt khó khăn), 10 xã vùng II và 99 xã vùng I. Từ năm 2011 đến nay, để đào tạo, tạo nguồn cán bộ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ DTTS nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức.
Một trong số đó, phải nhắc tới Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành tháng 8/2021. Quyết định này quy định cụ thể vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên quy định, vùng tạo nguồn thuộc địa bàn tuyển sinh là các xã, phường, thị trấn khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối tượng tuyển sinh: Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư 03 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở các xã, phường, thị trấn khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc ban hành Quyết định này chính là cơ sở quan trọng cho công tác tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng các trường dân tộc nội trú để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nguồn cán bộ.
Ông, Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho biết: Không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dân tộc nội trú, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho các trường dân tộc nội trú bằng 20% mức lương cơ sở để đảm bảo chi phí sinh hoạt cho các em học sinh sinh hoạt tại nhà trường.
Đồng thời, thời gian qua việc quan tâm hiện chính sách cử tuyển cũng được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Chính sách cử tuyển của tỉnh Thái Nguyên tập trung ở những địa bàn đặc biệt khó khăn và ưu tiên đối với đối tượng người DTTS có ít người làm công chức, viên chức trong các cơ quan. Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề đào tạo trình độ đại học; căn cứ vào báo cáo đề xuất của các địa phương và các quy định hiện hành, UBND tỉnh xây dựng, đề xuất chi tiêu cử tuyển với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, thống nhất với các trường đại học có sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển để họ trở về địa phương, bố trí công tác phù hợp...
Gặt hái nhiều kết quả
Với sự quan tâm đặc biệt và bằng nhiều giải pháp thiết thực trong công tác tạo nguồn cán bộ, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Thai Nguyên, đặc biệt là ở vùng DTTS còn nhiều khó khăn ngày càng được củng cố, nâng cao trình độ.
Ghi nhận tại huyện Định Hoá cho thấy, hiện toàn huyện có gần 600 cán bộ, công chức, trong đó phần lớn cán bộ, công chức là người DTTS cho thấy, năm 2023, huyện đã tạo điều kiện để các cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị đáp ứng các tiêu chuẩn. Đặc biệt, công tác sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, lãnh đạo trong huyện được quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Trưởng thành từ cơ sở và giữ nhiều vị trí công tác của xóm, xã, năm 2019, anh Ma Đình Lương được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lam Vỹ (huyện Định Hóa). Ngay khi giữ cương vị này, anh được lãnh đạo xã tạo điều kiện để đi học tập, trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt tốt tình hình nhân dân, vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động đến với người dân một cách hiệu quả.
Anh Ma Đình Lương chia sẻ: Là người DTTS sinh ra và lớn lên ở địa phương, trong quá trình công tác, tôi thường xuyên được các cấp ủy đảng của địa phương cũng như cấp huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ như Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác, để trang bị kiến thức, kỹ năng tốt hơn, vận động bà con nhân dân cùng chung sức với địa phương trong huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Chính sách hỗ trợ cử tuyển cũng đã phát huy hiệu quả khi các sinh viên được cử đi đào tạo đã quay trở về địa phương vùng khó khăn của tỉnh để cống hiến, xây dựng quê hương.
Đơn cử, ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ Y khoa, tháng 11/2022, nữ bác sỹ trẻ Hoàng Thị Lan, sinh năm 1995, người dân tộc Mông, bản Na Sàng, xã Phú Đô đã được Trung tâm Y tế huyện Phú Lương tuyển dụng vào làm việc. Cô là người dân tộc Mông thứ 2 của Thái Nguyên tốt nghiệp bác sĩ Y khoa. Một tin vui nữa là sau một thời gian làm việc và luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, mới đây (tháng 8/2023), cô đã được đơn vị giới thiệu tham gia lớp tìm hiểu về Đảng…
Nói về việc bố trí công việc cho các đối tượng cử tuyển sau đào tạo, ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2022, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế bố trí 5 sinh viên tốt nghiệp theo chế độ cử tuyển vào làm việc hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế; tuyển dụng 1 trường hợp vào chức danh công chức xã của huyện Võ Nhai; các sinh viên sau khi được tuyển dụng, bố trí công tác đều chấp hành sự phân công công tác của tổ chức; vị trí việc làm được bố trí, phân công công tác phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo; số sinh viên học theo chế độ cử tuyển là 2 sinh viên, người dân tộc Tày đang học tại Trường Đại học Y - Dược, trong đó dự kiến có 01 sinh viên tốt nghiệp trong năm 2023.
Hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ nguồn DTTS thời gian qua đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, tới đây, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS gắn liền đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người DTTS để từng bước đưa địa bàn vùng khó của tỉnh vươn lên.