Hiện thực hóa chủ trương, chính sách
Những năm qua, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, mời nghệ nhân về truyền dạy đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho học sinh DTTS tại chỗ của trường.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, Trường đã tổ chức được 2 lớp truyền dạy cồng chiêng và múa nghi lễ cho đoàn viên thanh niên là người DTTS tại chỗ trong trường. Đồng thời, thành lập được 2 đội chiêng để duy trì các bài chiêng qua các thế hệ học sinh.
Với hình thức tổ chức thông qua các buổi ngoại khóa, nhà trường mời Nghệ sĩ Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Vũ Lân đến chia sẻ và truyền dạy. Từ đó, các lớp thế hệ học trò đi trước, tổ chức những buổi tập luyện, truyền dạy lại những bài chiêng đã học cho các em khóa sau. Cứ như vậy, văn hóa cồng chiêng được lưu truyền qua các thế hệ học sinh trường Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng.
Đến nay, nhà trường đã thành lập được 2 đội chiêng và được hỗ trợ 2 bộ chiêng đồng, 2 bộ chiêng tre, gần 100 bộ trang phục truyền thống để các thành viên đội chiêng, duy trì việc luyện tập các bài chiêng qua các thế hệ học sinh. Nhà trường cũng đã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng và tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình, sân chơi văn hóa nghệ thuật dành cho học sinh.
Thầy Bùi Xuân Lễ - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng chia sẻ: Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng ở Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có gần 538 học sinh là con em của 15 dân tộc khác nhau, trong đó, hơn 65% học sinh đồng bào DTTS tại chỗ gồm Ê Đê, Mnông, Gia Rai. Thông qua các buổi học ngoại khóa, nhiều học sinh trong trường đã đánh được cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Điều này đã khơi dậy sự yêu thích, đam mê diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ cho rất nhiều Đoàn viên, thanh niên trong nhà trường, đặc biệt là các em học sinh DTTS. Từ đó hình thành nên ý thức bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và thắp lửa đam mê cho giới trẻ.
Tương tự, Đề án bảo tồn văn hóa bản địa của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cũng đang được các trường học trên địa bàn huyện hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể.
Ông Trần Danh Luận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa, cho biết: Hội thi “Nét đẹp vòng xoang” là một trong những hoạt động nằm trong Đề án bảo tồn văn hóa bản địa của huyện. Hoạt động này mang ý nghĩa thiết thực, không chỉ khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ, mà còn tạo sân chơi bổ ích giúp học sinh thêm yêu trường, mến lớp. Phòng khuyến khích các trường học trên địa bàn, tùy theo điều kiện có thể tổ chức các hoạt động tương tự để khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào tại chỗ.
Văn hóa truyền thống trở thành môn học
Tiếp sức cho văn hóa truyền thống DTTS được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống thực tiễn, mới đây, ngày 24/3, tại Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã có những chia sẻ thiết thực về giáo dục trong vùng DTTS. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, có hẳn mục tiêu riêng cho giáo dục và được thiết kế riêng 1/10 dự án cho giáo dục, với 4 tiểu dự án, mục tiêu cụ thể.
Trong đó, có tiểu dự án Bộ Giáo dục và Đạo tạo phối hợp với các địa phương để triển khai là tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho 320 trường PTDT nội trú, 1.100 trường PTDT bán trú, 7 cơ sở dự bị đại học và đại học, 3 trường DTNT khu vực, với tổng ngân sách Trung ương và địa phương 8.400 tỉ đồng. Đây chính là nguồn lực có thể giải quyết vấn đề khó khăn, bổ sung những gì chưa có ở các trường học.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng đã nhấn mạnh, trong lĩnh vực giáo dục dân tộc, ngoài Chương trình giáo dục phổ thông chung của cả nước, còn phải truyền dạy bản sắc văn hóa trong hệ thống trường học các cấp. Để truyền dạy văn hóa truyền thống thành một môn học phải có thời gian, có giáo viên, có người truyền dạy, đối tượng tiếp nhận là học sinh, cần phải được thiết kế vào chương trình học.
"Trước mắt, là triển khai đối với mô hình trường học DTNT, bán trú, huy động đội ngũ nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa giảng dạy, dần dần chuẩn hóa thành tài liệu cho từng dân tộc. Với những chính sách về giáo dục vùng DTTS, việc các địa phương cần làm là nghiên cứu vận dụng chính sách một cách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để truyền dạy văn hóa truyền thống thành một môn học", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lưu ý.