Theo đó, Đề án nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả Di sản văn hóa cồng chiêng , duy trì, khôi phục và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giữ vững danh hiệu “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới” và “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” mà UNESCO đã công nhận.
Giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng đến bạn bè trong và ngoài nước, gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu cụ thể đến năm 2026, 100% cán bộ văn hóa cấp xã nơi có cộng đồng DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống được tập huấn, bồi dưỡng về công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng; đồng thời tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, dân ca, dân vũ cho thanh niên DTTS.
Hỗ trợ trang bị nhạc cụ truyền thống và trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ DTTS, phục hồi và gìn giữ các loại hình sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, duy trì các lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng.
Đến năm 2035, xây dựng các tổ, đội văn nghệ dân gian truyền thống, nhân rộng mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người DTTS biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ trong các buổi lễ, ngày hội.
Hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng của các DTTS tại chỗ trên địa bàn nhằm xác định giá trị, số lượng (bài chiêng cổ, nghệ nhân truyền dạy) phục vụ quá trình bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng trong những năm tiếp theo.
Tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng các nội dung, mô hình, hoạt động trong giai đoạn 2023 - 2026 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.