Ngôi nhà nhỏ của anh Siu Thanh nằm giữa nương rẫy xanh ngát cây trồng ở thôn Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa. Trong ngôi nhà, anh Siu Thanh đang cùng với cha và thanh niên trong thôn đang tập đánh các bài chiêng truyền thống của người Gia Rai.
Theo lời anh Thanh kể, từ thời ông ngoại đến cha và bác của anh, đều là nghệ nhân đánh cồng chiêng và thuộc nhiều bài dân ca. Anh lớn lên trong giai điệu ngân vang của cồng chiêng và các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Lớn hơn, anh theo cha đi trình diễn cồng chiêng khắp nơi. Ngoài học từ cha, anh còn chủ động tìm đến những Nghệ nhân lớn tuổi để sưu tầm, ghi chép các bài chiêng cổ.
Cũng chính từ niềm đam mê âm nhạc dân tộc, năm 2020, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với chuyên ngành Toán học, rời giảng đường về thôn làng, anh Thanh đã quyết tâm truyền dạy cồng chiêng đến với các em học sinh. Anh đã đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí mua 1 bộ chiêng, đồng thời, tích cực đến từng nhà tuyên truyền, vận động thanh - thiếu niên tham gia tập luyện.
Năm 2009, Siu Thanh bắt đầu truyền dạy cồng chiêng cho 7 em nhỏ trong làng. Khi được tham gia luyện tập, em nào cũng hứng khởi và chăm học. Nhờ vậy, trong làng đã thành lập được đội cồng chiêng nhí sinh hoạt thường xuyên và được chính quyền địa phương lựa chọn đi biểu diễn nhiều nơi.
Ông Nay Tek - cha của Siu Thanh cho biết: "Thấy cháu yêu thích âm nhạc dân tộc, tôi thấy ưng cái bụng lắm. Bao nhiêu bài nhạc đều truyền dạy lại cho nó hết. Thanh nhanh thuộc bài và thường xuyên tìm tòi, học hỏi cả những giai điệu mới. Mình vui vì văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai được truyền nối đến các thế hệ sau”.
Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Thanh cùng bố đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu nhi ở các làng và trường học tại địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, anh Thanh đã mở 5 lớp truyền dạy cồng chiêng, bình quân mỗi lớp học có khoảng 15 - 30 em.
Em Siu Săt (lớp 7A, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pưh) tâm sự: “Được anh Thanh truyền dạy cách đánh cồng chiêng, em rất vui. Nghe tiếng hát, tiếng chiêng em thấy phấn chấn, thêm yêu văn hóa dân tộc Gia Rai. Hiện chúng em đang học một số bài như: “Mừng chiến thắng”, “Mừng lúa mới”, “Đi chăn bò”… Em sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành tay chiêng giỏi”.
Không chỉ chơi thành thục nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, đàn goong, trưng… anh Siu Thanh còn biết hát dân ca. Tại Hội thi văn hóa - cồng chiêng toàn huyện lần thứ VII , năm 2017, anh đạt giải Nhì về nội dung nhạc cụ dân tộc; tại Hội thi văn hóa - cồng chiêng toàn huyện năm 2022, anh đạt giải Nhất về diễn tấu cồng chiêng và hát dân ca.
Anh Siu Thanh chia sẻ: Đối với người Gia Rai, cồng chiêng là khuôn mẫu của cha, tinh hoa của mẹ, là bản sắc văn hóa của dân tộc Gia Rai được truyền từ đời này, sang các thế hệ tiếp theo. Vì vậy, anh luôn cố gắng để gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng nhất là trong giới trẻ.
"Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp học truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ. Mình cũng muốn chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí mua thêm nhạc cụ để giúp mọi người học tập thuận lợi hơn", anh Siu Thanh nói.
Nhận xét về anh Siu Thanh, anh Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Huyện đoàn Chư Pưh chia sẻ, từ niềm đam mê của bản thân, những năm qua, anh Siu Thanh đã lan tỏa truyền dạy, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc cho lớp trẻ nơi đây. Đồng thời, anh Thanh còn là tấm gương sáng tiêu biểu trong hoạt động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như thành lập, truyền dạy và duy trì các đội cồng chiêng thanh, thiếu niên tại địa phương.
Với cương vị là Phó Bí thư Chi đoàn thôn Plei Djriêk, anh Thanh đã vận động các thanh thiếu niên tích cực tham gia các hoạt động của đoàn, xây dựng thôn làng phát triển.