Biển ngày một gần hơn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 14 vị trí bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm, với tổng chiều dài gần 17km. Trong đó, có 3 vị trí sạt lở tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ và Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi là đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài khoảng 6km, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, mạng của người dân và các công trình dân sinh.
Có một thực tế là, trong những năm gần đây, sóng biển ngày càng hung hãn gây ra tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng, áp sát vào nhà dân. Ông Nguyễn Thành Tại, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An cho biết: Sóng biển ăn sâu vào bờ đến 9 - 10m, các khu vực đã kè đá cũng bị sóng đánh tan nát. Chúng tôi đã cố gắng chèn chống, nhưng không lại với sóng biển.
Bà Võ Thị Ân, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An thông tin, trước đây nhà bà xây dựng nằm cách bờ biển gần 1 km, nhưng mấy năm trở lại đây, sạt lở sâu vào đất ở. Nhà cửa bị sạt lở đe dọa nên không riêng gì gia đình bà, mà hàng chục hộ gia đình khác cũng rơi vào tình thế tương tự, ai cũng rất lo lắng.
Còn bà Trần Thị Dục, một người dân khác, nói: "Trước đây, nhà tôi cách bờ biển hàng chục mét nhưng mỗi năm, biển lại tiến gần hơn, giờ chỉ còn cách bờ biển đang sạt lở khoảng 3m. Cả nhà sợ sóng biển ban đêm đánh phủ qua đường bê tông nên không dám ở lại, dắt nhau đến ở tạm nhà người thân".
Theo bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An: Hiện tại, hàng trăm mét bờ biển ở khu vực thôn Phổ Trường đã bị sóng đánh sạt lở chỉ còn cách 3 - 5m là đến tường nhà dân. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp là 4 nhà dân, với 15 nhân khẩu đang sinh sống và có nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng đến 29 hộ dân, với 143 nhân khẩu sinh sống liền kề. Bờ biển sạt lở ăn sâu vào tuyến đường bê tông chạy dọc bờ biển, nhiều vị trí sạt lở ăn sâu vào lòng đường, tạo hàm ếch, nguy cơ bị đứt gãy kết cấu bê tông mặt đường.
Trong khi đó, bờ biển Bình Hải, huyện Bình Sơn cũng liên tục bị triều cường xâm thực ngày một nhiều thêm. Mỗi năm sóng biển ăn sâu vào đất liền cả chục mét. Đặc biệt, cơn bão số 9 đã làm bờ biển ở đây bị sạt lở trên 1,5 km, uy hiếp trực tiếp đến tài sản và tính mạng của 170 hộ dân. Nhiều ngôi nhà đã bị sóng biển đánh sập. Người dân ở đây vẫn mãi loay hoay với chuyện an cư.
Cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân
Trước tình thế nguy cấp này, thời gian qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ huy động lực lượng đắp kè tạm chắn sóng biển bằng bao cát, bờ chắn bằng đá hộc kè chắn đoạn đường sạt lở. Chính quyền các địa phương cũng huy động người dân, tham gia đắp bờ kè, chèn chống nhà cửa, những hộ nằm sát mép nước thì di dời đến nhà người thân để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chia sẻ: Nên tìm một quỹ đất tái định cư để di dời các hộ dân nằm sát mép biển. Về lâu dài thì Nhà nước cũng nên đặt vấn đề đầu tư một cái kè dọc theo bờ biển để giữ cho được quỹ đất này. Nếu chúng ta di dân đi, thì sau đó sóng biển sẽ tiếp tục xâm thực sâu tiếp vào trong đất liền.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 705 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại Bình Hải, Bình Thuận, Bình Châu huyện Bình Sơn; Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ; Nghĩa An, Tịnh Kỳ TP. Quảng Ngãi.
Ông Bùi Đức Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Khi chưa có nguồn kinh phí khắc phục, thì cũng nên chủ động phương án chủ yếu là sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người. Tỉnh đã tổng hợp báo cáo Trung ương, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ để hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Ngãi để sớm khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đánh giá, tình trạng sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường là rất nghiêm trọng. Giao Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh hướng dẫn UBND TP. Quảng Ngãi lập hồ sơ đề xuất theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xem xét, quyết định giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đầu tư khẩn cấp tuyến kè chống sạt lở. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư 750m kè chắn sóng ở khu vực thôn Phổ Trường khoảng 80 tỷ đồng.
“UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư một số dự án do ảnh hưởng của bão lũ năm 2021. Nếu Trung ương bố trí, sẽ phân bổ để đầu tư đê kè xã Nghĩa An. Nếu không, tỉnh sẽ bỏ vốn từ ngân sách tỉnh đầu tư. Chậm nhất là đến tháng 8/2022 phải hoàn thành tuyến kè, bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm sau”, ông Minh nhấn mạnh./.