Theo đó, hiện nay toàn tỉnh Quảng Ngãi có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 5 điểm, sạt lở nguy hiểm có 16 điểm. Tốc độ sạt lở trung bình khoảng 5m/năm, một số điểm sạt lở có tốc độ nhanh hơn (10-15m/năm) như thôn Khê Tân (xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi), thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn), các thôn Phước Thiện, An Cường, Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn)…
Hiện có nhiều hộ dân ở thôn Khê Tân (xã Tịnh Khê) và khu dân cư ven biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh), thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị), thôn Phước Thiện và thôn An Cường (xã Bình Hải) bị nứt, sập nhà đã phải di dời, sơ tán; các hộ còn lại luôn lo sợ sạt lở lấn sâu.
Tỉnh Quảng Ngãi có 6 cửa sông, gồm cửa Sa Cần, Sa Kỳ, Cửa Đại, Cửa Lở, Mỹ Á, Sa Huỳnh. Các cửa sông này cũng thường xuyên bị xói lở, bồi lấp. Diện tích vùng thường xuyên bị bồi lấp ở các cửa sông khoảng 319,2ha. Hằng năm, tỉnh phải tốn nhiều kinh phí cho việc nạo vét tạm thời cho tàu thuyền ra vào.
Các khu vực cửa biển bị bồi lấp nặng như, cửa Sa Huỳnh có chiều rộng nhỏ nhất khoảng 80m, chiều dài luồng chính khoảng 400m, gây khó khăn có khoảng 500 tàu cá thường xuyên ra vào mỗi ngày và gần 800 tàu cá các loại vào neo đậu tránh trú khi có bão, áp thấp.
Mặc dù, đã đầu tư xây dựng tuyến đê chắn cát dài 450m phía bờ Tây cửa Sa Huỳnh nhưng chưa giải quyết dứt điểm được hiện tượng bồi lấp. Một số cửa sông khác như Cửa Đại (Trà Khúc), Cửa Lở (sông Vệ) cũng bị bồi lấp, tạo doi cát chắn ngang và luôn thay đổi, gây khó khăn cho ngư dân địa phương, cản trở thoát lũ.
Về sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đang có 152 điểm sạt lở, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 điểm, sạt lở nguy hiểm có 102 điểm và sạt lở bình thường có 47 điểm.
Tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra, rà soát, đánh giá, phân loại mức độ sạt lở, bồi lấp và nhu cầu xử lý cấp bách các điểm sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông. Tuy nhiên, diễn biến sạt lở, bồi lấp cửa sông, bờ biển đang diễn ra phức tạp, nhiều nơi, rất cần được đầu tư xử lý kịp thời để hạn chế sạt lở, giảm thiểu thiệt hại gây ra.
Tại Bình Định cũng có trên 7.800m bờ biển, đê kè có nguy cơ bị sạt lở. Cụ thể, vùng sạt lở có chiều dài đường bờ biển 134km, trong đó chiều dài cồn cát ven biển là 69km. Qua thực tế khảo sát, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 11 điểm bờ biển, đê kè với chiều dài 7.812m bị sạt lở (trong đó có 1.192m đê kè và 6.620m bờ biển).
Các địa phương có diện tích bờ biển, đê kè bị sạt lở nặng nhất là: Huyện Phù Mỹ có 4 khu vực bị sạt lở với chiều dài khoảng 3.900m, với hơn 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng; huyện Hoài Nhơn có 500m bờ biển và 672m đê kè bị sạt lở, khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng; huyện Phù Cát có 1.020m bờ biển bị sạt lở, gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Trước tình hình trên, UBND các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ một số nội dung xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư, xử lý, khắc phục trong những năm 2018-2019 ở các vị trí sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông có diễn biến đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và các hoạt động kinh tế-xã hội địa phương.
THÀNH NHÂN