Rừng mất, đất lở
Nghệ An có chiều dài bờ biển lên đến 82km, chạy qua 6 huyện, thị với 144 xã, phường. So với trước, thì diện tích rừng ngập mặn ở Nghệ An đã có giảm đi đáng kể. Nguyên nhân là do bà con phá rừng làm đầm tôm, phát triển các khu du lịch…Từ hơn 1.200 ha rừng ngập mặn, đến nay chỉ còn khoảng 400 ha. Mất rừng kéo theo hệ luỵ mất đất, xâm nhập mặn, giảm nước ngầm và thiệt hại do thiên tai gây ra là khó lường…
Minh chứng rõ nhất của hậu quả này, là đã có 19 xã với gần 20.000m bãi biển bị xói lở, trong đó, phần lớn là ở các cửa lạch, bãi ngang. Với tốc độ xói lở trung bình hàng năm là 42m, mỗi năm Nghệ An mất gần 100ha đất ven biển. Nhiều xã ở huyện Quỳnh Lưu, xói lở đã diễn ra gần sát khu dân cư, như ở Sơn Hải, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Long… Riêng ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu xói lở rất nghiêm trọng, mất 6km bờ biển.
Ông Trần Văn Luyến, ở xã Quỳnh Long, cho biết: “Trước đây tình trạng nước biển xâm thực thường xuyên xảy ra, bờ biển bị xói lở nhiều. Như cơn bão năm 1988 thì ghê lắm, nó đánh bay nhiều bờ kè…".
Giữ gìn “báu vật”
Con đường ven sông Lam, đoạn chạy qua địa phận xã Hưng Hòa (TP. Vinh) và Cửa Hội (Cửa Lò) có một rừng bần tuyệt đẹp. Ông Trần Văn Chương, ở xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa cho biết: “Tôi lớn lên đã thấy rừng bần này rồi, không biết nó có từ bao giờ. Nó là cứu cánh của bà con chúng tôi đấy, mùa mưa lũ thì chắn sóng, mùa nước cạn thì đánh bắt hải sản trong đó”.
Theo lời giới thiệu của ông Chương, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Thình, người có thâm niên 21 năm canh giữ rừng ngập mặn Hưng Hòa. Ngập trong rừng bần dưới cái nắng chang chang, giọng ông Thình sang sảng: “Rừng bần xã tôi chạy mãi xuống tận xã Phúc Thọ của huyện Nghi Lộc, dài gần 10km, diện tích là 65ha. Giữ được rừng bần này, to công lắm, không kể đêm hay ngày, nắng hay mưa, phải tuần tra liên tục. Nay thì đỡ cái nạn săn bắn và chặt cây rồi, bà con ý thức được sự quý giá của rừng ngập mặn là để che chở cho mình”.
Cũng như ông Thình, ông Vũ Xuân Tình ở xã Diễn Kim tỏ ra phấn khởi, trước sự ủng hộ bảo vệ rừng ngập mặn của bà con. “Trước đây rừng bần liên tục bị một số đối tượng vào phá phách. Thứ thì cắt đọt non làm thức ăn cho dê, thứ thì chặt cây làm củi, rồi bẫy chim nhiều vô kể. Nay thì ai cũng hiểu, giữ rừng là bảo vệ chính mình nên không còn nạn phá rừng bần này nữa”.
Chúng tôi cũng thật vui khi được bà Nguyễn Thị Tươi, nhà sát bờ biển xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, chia sẻ: “Trước kia, chỉ cần có mưa to là làng mạc chìm trong nước biển, nhà cửa; hoa màu gần đến ngày thu hoạch bị cuốn trôi, bà con ai cũng lo “chạy” bão lụt, cuộc sống bấp bênh, khốn khổ. Bây giờ nhờ có rừng ngập mặn bảo vệ, chúng tôi yên tâm nuôi tôm, trồng rau màu… Hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá về neo đậu trong mùa mưa bão, cũng được rừng ngập mặn che chắn an toàn, bà con còn khai thác được nguồn cá, cáy, tôm… trong rừng để tăng thêm thu nhập”.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Khắc Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh: Rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng để cân bằng sinh thái vùng ven biển, góp phần làm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm thực... Vì thế, ngành Lâm nghiệp luôn hướng tới việc trồng, chăm sóc, bảo vệ những cánh rừng ngập mặn dọc khắp bờ biển xứ Nghệ trong tương lai gần.