Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, từ nay đến cuối năm 2020, biển tiếp tục xâm thực vào đất liền khoảng 56m và gây sạt lở đất khoảng 98ha, trung bình mỗi năm sạt lở khoảng 28ha đất, có nguy cơ sạt lở và phá hủy các công trình công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng phát triển du lịch của huyện Thạnh Phú. Hay như tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, khi thủy triều dâng cao, kèm theo sóng to gió lớn, gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đời sống của cư dân. Xã có 4km bờ biển, trong đó có 2km bị sạt lở nặng nề…
Được biết, trước thực trạng này, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trung tâm Kỹ thuật công nghệ tài nguyên nước làm đơn vị tư vấn. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn khảo sát, thu thập số liệu tại 12 xã thuộc 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Dự án đang tiếp tục triển khai các nội dung như, khảo sát thực địa để xác định vị trí thiết lập danh mục bảo vệ hành lang bờ biển; lập dự thảo danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; tổ chức hội thảo lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về dự thảo. Dự kiến, cuối năm 2018, trình lãnh đạo tỉnh Bến Tre phê duyệt, và năm 2019 sẽ cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển và nghiệm thu kết quả dự án, bàn giao sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2017, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện và đã được Trung ương ghi nhận nhu cầu bức xúc của tỉnh để sớm tìm nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh. Trong thời gian chờ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh Bến Tre đã đồng ý chủ trương và chỉ đạo UBND huyện Thạnh Phú hướng dẫn người dân tự xây dựng kè chống sạt lở để bảo vệ đất sản xuất. Ngoài ra, dự án còn hướng đến bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
ĐÔNG XUYÊN