Về lâu dài, tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ khắc phục các điểm sạt lở nặng tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), xã Phú Thuận (huyện Phú Vang)…
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 nên khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có gió mạnh kết hợp triều cường, sóng lớn khiến cho bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5 - 10m; dài khoảng 6,2 km. Một số khu vực bờ biển ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (đều thuộc huyện Phú Vang) bị sạt lở nặng với tổng chiều dài gần 5 km; hai xã Lộc Vĩnh, Giang Hải (thuộc huyện Phú Lộc) có tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở hơn 1km và xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) 0,3 km.
Dù đã có các biện pháp ứng phó di dời dân trước bão nhưng hiện tượng sạt lở tại các bờ biển ở Thừa Thiên - Huế vẫn đang tiếp diễn, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân xung quanh các khu vực này.
Là địa phương có bờ biển bị sạt lở nặng nề nhất, xã Phú Thuận đang triển khai các biện pháp giúp dân tránh ảnh hưởng của lụt bão như vận động người dân di dời an toàn, trồng cây phân tán giữ đất để khắc phục tạm thời các điểm sạt lở nghiêm trọng. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận cho hay, để đối phó với vấn đề sạt lở, trước khi bão đến, xã đã lên danh sách thống kê khoảng 64 hộ, 298 khẩu di dời. Rất may bão không gây ra thiệt hại về người nhưng có 27 hộ bị tốc mái nhà, 150 hộ bị bay mái tôn.
"Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ biển diễn ra tại xã khá nghiêm trọng, kéo dài 4 thôn với tổng chiều dài khoảng 3 km. Đoạn sạt lở sâu nhất ăn sâu vào đất liền khoảng 7m. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở ở bờ biển xã Phú Thuận để đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho bà con", ông Tùy chia sẻ.
Tình trạng bờ biển sạt lở, xâm thực tại xã Phú Thuận đã diễn ra hàng chục năm nay. Tuy nhiên sau cơn bão số 5, tình trạng này càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, mưu sinh của nhiều bà con. Điển hình, các mái chòi kinh doanh của hộ gia đình anh Trần Quốc Huy nằm gần bờ biển đã bị bão quật ngã, sụt lở; thiệt hại ước tính hơn 10 triệu đồng. Thiệt hại này càng khiến cuộc sống sau mùa dịch của gia đình anh thêm khó khăn, bởi thu nhập chính của gia đình phụ thuộc nhiều vào việc kinh doanh dịch vụ trên bãi biển.
Thôn Tân An, xã Phú Thuận xưa nay là điểm nóng của tình trạng sạt lở bờ biển. Hằng năm, xâm thực và sạt lở khiến bờ biển lùi vào đất liền từ 10 - 12m. Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng thôn Tân An cho biết, khoảng 15 năm trước, bờ biển ở ngoài xa, cách nơi dân sống hiện nay khoảng 100 - 150m. Sạt lở khiến đồi cát cao, cách bờ biển 150 - 200m tại thôn bị xóa sổ. Điều này khiến bà con luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi đến mùa mưa bão và mong muốn sớm có một bờ kè ven biển để ổn định nơi ăn, chốn ở, bảo đảm tính mạng trong mùa mưa bão.
Hiện nay, công tác khắc phục bão số 5 tại Thừa Thiên - Huế cơ bản đã hoàn thành. Một số trường hợp người bị thương đã được xuất viện. Lực lượng tại chỗ cùng người dân cũng đã xử lý khắc phục được hầu hết nhà bị tốc mái; còn khoảng 1.500/21.000 nhà bị sập, tốc mái nặng đang tiếp tục được xử lý. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo thu gom cây cối bị đổ để sớm đảm bảo giao thông, sinh hoạt bình thường cho người dân.