Nói lý, hát lý được phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá của người Cơ-tu, được xem là nghệ thuật so tài cao thấp giữa những người cao tuổi trong và ngoài làng, giữa chủ nhà với khách…. Có khi người Cơ-tu hát lý để trao đổi, bàn bạc, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ, dòng tộc, bản làng…. Nói lý, hát lý ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu kín để đối thủ phải vắt óc ra ứng đối từng câu, từng đoạn, từng nội dung. Đối tượng nghe hát lý thấy càng khó thì chứng tỏ tài nghệ vượt trội của người hát. Cái khó của hát lý là không theo một tiêu chuẩn, bài bản nào cả mà tuỳ theo ứng khẩu của người đưa ra, đó là một quá trình kinh nghiệm, đúc kết, am hiểu, kiến thức của người hát, cho nên chỉ có một số người hát được.
Già làng Đinh Văn Bớt (77 tuổi, trú tại thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cho hay, đám cưới là dịp quan trọng để người Cơ-tu nói lý, hát lý. Sau khi đón khách xong, chủ nhà (thường nhà trai) chuẩn bị mâm tiệc đón khách hoặc đón chào các bậc cao niên; chủ nhà khởi xướng đầu tiên – “tuyên bố lý do” theo một chủ đề có liên quan với nội dung “gặp mặt”. Hát lý bao giờ cũng sau nói lý nhằm nâng cao giá trị, bổ sung cho nói lý. Mở đầu buổi nói lý, hát lý, người đại diện, thường là các cụ già có uy tín, kinh nghiệm sẽ ứng khẩu với những lời lẽ rất khiêm tốn, rằng khách quý đến nhà chúng tôi chẳng có gì đón tiếp, chỉ có ly rượu nhạt này, mong rằng khách đừng chê tấm lòng của chúng tôi… Nghe xong, khách cũng đáp lời cảm ơn chủ nhà đã chuẩn bị đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, mồi ngon, rượu quý, khách không biết lấy gì đền đáp tấm thịnh tình của chủ. Rượu rót mời nhau theo thứ bậc, vừa uống vừa nói chuyện về mùa màng, săn bắn, chuyện rừng chuyện rẫy….
Già làng Y Kông (91 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang,) cho hay, một cuộc nói lý, hát lý bao giờ cũng có phần mở đầu, tức đưa ra sự gợi mở cho hai bên cùng nhập cuộc với nhau. Trong nói lý, hát lý được sử dụng rất khéo léo bằng lối so sánh, ẩn dụ, hoán dụ; lấy sự vật hiện tượng để biểu đạt suy nghĩ, ý định của mình, đồng thời mở đường cho phía khách đáp lại. Nó thể hiện trình độ hiểu biết, ý tứ sâu sắc và tài ứng khẩu của nghệ nhân. Chẳng hạn khi một người Cơ - tu nói ai đó được ví là cây a-xếp tức được xem là người có bản lĩnh kiên cường, không bao giờ gục ngã. Bởi a-xếp là một loại cây mọc dưới sông, suối vùng cao, khi mùa nước lũ nó rạp xuống nhưng sau đó lại đứng thẳng dậy, vươn lên xanh tốt. Nói con chim cần có tổ thì ông ấy muốn làm nhà; chàng trai Cơ-tu nói với cha mẹ rằng, con cần làm ruộng để có thóc lúa ăn nghĩa là anh ta muốn cưới vợ; ví con lợn lòi thì muốn nói người độc thân có bản lĩnh…
Theo già làng Y Công, duy trì hát lý, nói lý trong cộng đồng người Cơ-tu là duy trì nét văn hoá đặc sắc của đồng bào. Nghệ nhân muốn thể hiện nói lý, hát lý phong phú phải kết hợp giữa nội dung súc tích, giọng hát truyền cảm làm người nghe thích thú. Hiện nay, nhiều làng người Cơ-tu vẫn giữ được nghệ thuật ứng khẩu khá tốt như các vùng núi cao thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam), các làng thuộc xã Tà Lu, Jơ Ngây (Đông Giang - Quảng Nam); Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí (Hoà Vang, TP. Đà Nẵng). Ngoài ra, người Cơ-tu còn có loại hình nghệ thuật ứng khẩu tương tự nhưng theo vần rất độc đáo như hát giao duyên, khóc người chết.
Nghệ nhân muốn thể hiện nói lý, hát lý phong phú phải kết hợp giữa nội dung súc tích, giọng hát truyền cảm làm người nghe thích thú. Hiện nay, nhiều làng người Cơ-tu vẫn giữ được nghệ thuật ứng khẩu khá tốt như các vùng núi cao thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam), các làng thuộc xã Tà Lu, Jơ Ngây (Đông Giang - Quảng Nam); Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí (Hoà Vang, TP. Đà Nẵng)”.
Theo già làng Y Công