Hồn gỗ từ tay người
Ở cái tuổi 56, A Lăng Đợi vẫn cường tráng như cây gỗ lim của núi rừng, ánh mắt ngời sáng, cánh tay vạm vỡ và mang dáng hình người con của núi rừng Trường Sơn. A Lăng Đợi lâu nay trở thành “người mẫu” của rừng, bởi nhiều người biết ông qua những bức hình, được tạo hình của một thầy cúng, đóng khố, mặc áo thổ cẩm tua rua, đầu đội mũ lông chim sặc sỡ, cổ đeo nhiều vòng mã não, nanh heo rừng, tay cầm quạt cánh chim, thổi tù và, khuôn mặt cười tươi rói cùng mái tóc xoăn đen nhánh rủ dài hai bên vai, đôi mắt to và sâu hun hút như cánh rừng pơ-mu thượng ngàn. Trong những đoàn biểu diễn văn hóa Cơ tu, A Lăng Đợi luôn là người đi đầu đoàn múa cồng chiêng, đẹp tựa một vị thần của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Và ít ai biết rằng, còn một nghệ nhân tạc tượng gỗ mang tên A Lăng Đợi. Với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết, A Lăng Đợi đã tạo nên vô số những bức tượng bằng gỗ mang hình ảnh giản dị của cuộc sống thường ngày như phụ nữ địu con, người đàn ông trầm tư,… Tuy chỉ là những hình ảnh đời thường, song lại được ông khắc họa một cách hết sức sống động trên những thân gỗ.
A Lăng Đợi bảo để thổi hồn vào những bức tượng gỗ, các nghệ nhân thường là những người lớn tuổi, hiểu thấu văn hóa dân tộc, với nhiều năm kinh nghiệm sống. Họ tạc nên những bức tượng có hồn, sinh động và gần gũi với đời sống sinh hoạt của bà con dân làng. Những bức tượng luôn ẩn chứa tình cảm người tạc để khi nhìn vào tượng, du khách như thấy được đời sống hằng ngày của những con người ở dãy Trường Sơn.
Mỗi bức tượng tạc được đều thể hiện tinh hoa, trí lực của ông nên đường nét rất sắc sảo, tinh tế. Cũng tùy theo thời gian và cảm hứng sáng tạo mà mỗi tác phẩm của ông có một giá trị nghệ thuật riêng.
A Lăng Đợi bảo: “Hầu hết các nghệ nhân tạc tượng không qua các trường lớp đào tạo mà phần lớn học qua các già làng, các nghệ nhân lớn tuổi nhiều năm trong nghề. Cứ đi theo phụ việc, ai yêu thích, say mê tạc tượng mới theo được”.
Ngày còn nhỏ, thấy cha đục đẽo, tạc tượng để làm Gươl..., A Lăng Đợi chăm chú để mắt và mày mò làm theo cha nên ông biết làm. Rồi cứ thế từng ngày, đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo về nghệ thuật điêu khắc của A Lăng Đợi đã tạo tác nên những tác phẩm điêu khắc nổi bật khiến nhiều người trầm trồ ngay từ khi ông còn là thanh niên. Nhiều năm trôi qua, ông trở thành người thổi hồn cho gỗ.
Những thân gỗ vô tri qua bàn tay và tâm hồn của những người nghệ nhân như A Lăng Đợi thành những người phụ nữ giã gạo, dệt vải, là cánh đàn ông vào rừng săn bắn, đi rẫy, là không khí lễ hội rộn ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần...; là người đàn ông đàn bà đang yêu, là người mẹ bồng con chờ chồng đi chiến trận...
Mặc cho thời gian, mặc cho những biến động của đời thường, ông vẫn ngồi đó kể những câu chuyện của buôn làng bằng những pho tượng mộc mạc được đẽo gọt trên những cây gỗ. Ông bảo, mỗi bức tượng là cả một câu chuyện dài của người Cơ tu đất Quảng. Những bức tượng gỗ được tạo nên từ đôi bàn tay trần trụi rám nắng, bằng tình cảm nén chìm trong lòng qua bao mùa trăng, để rồi bật lên là dáng hình người đàn bà ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống, hay người trai trẻ rộn tiếng ching chiêng trong không khí hồ hởi, âm vang của sinh hoạt cộng đồng ...
“Mỗi bức tượng là cả một trời thương nhớ mà người nghệ nhân khắc vào đó tình cảm, sự hy vọng của mình. Đó là cả tâm tưởng, cả nền văn hóa, cả sự dồn nén bao năm tạc nên thành thân tượng!”, A Lăng Đợi mông lung nói thế trong trời Trường Sơn chiều vàng rực.
Khi những nhà truyền thống ở miền cao xứ Quảng ngày càng ít đi, những người biết đẽo tượng già yếu, lớp trẻ thì không mặn mà, vậy là nghề đẽo tượng cũng đứng trước nguy cơ thất truyền, để lại nỗi buồn của những thân tượng theo suốt hành trình cuộc sống ở thế giới hư vô. Nhưng không, A Lăng Đợi không muốn thế! A Lăng Đợi muốn cái hay cái đẹp của người Cơ tu mình phải được truyền lại, phải được gìn giữ, phải được nhiều người biết đến. Và ông làm, bằng tất cả sức lực, niềm đam mê, nỗi trăn trở, và cả hy vọng cho người làng mình, cho cộng đồng Cơ tu của mình.
Người của núi
Làng Gừng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) - nơi A Lăng Đợi sinh ra và lớn lên mấy chục năm qua. Đó là ngôi làng mộc mạc, đơn sơ tựa bên góc núi nhỏ. Giữa bao mùa nắng mưa, ngôi làng nhỏ vẫn ở đó, với chứa chan tình tin yêu gửi gắm thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn và cái nghĩa tình và sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Và đó có lẽ là ngôi làng Cơ tu còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của những miền cao xứ Quảng này.
Căn nhà A Lăng Đợi đã và đang hình thành một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của người Cơ tu. Và lớp trẻ sau này, mỗi lần ngồi với A Lăng Đợi, là lại được nghe những câu chuyện về Cơ tu như tiếng ru trầm hùng của rừng núi thâm sâu bên mái nhà Gươl huyền thoại. Như kiến trúc nhà Gươl làng Gừng, một công trình Gươl được xem lớn bậc nhất của đồng bào Cơ tu ở Trường Sơn có phần đóng góp rất lớn của A Lăng Đợi cùng nhiều già làng, thanh niên khác trong làng.
Khi được mời xuống Khu du lịch Suối Hoa, để mang theo văn hóa Cơ tu phục vụ khách du lịch, A Lăng Đợi suy nghĩ lung lắm. A Lăng Đợi là người con của núi, cha ông đã sống và chết cùng với núi. Đến đời ông, đến một nơi khác sinh sống thì quả thực còn lắm điều chông chênh. Rời nhà đi, sống ở nơi khác, cái suối cái sông cũng khác, con chim hót cũng khác. Làm sao lòng người không đau đáu cho được.
Nhưng văn hóa Cơ tu không thể mai một được, không thể chỉ giữ cho mình trong một góc rừng được. Xa nhà, xa núi rừng, xa con sông con suối nhớ lắm. Nhưng rồi lại nghĩ, việc mình làm chính là đem văn hóa Cơ tu về xuôi để nhiều người biết hơn là một việc tốt, việc nên làm thì tâm can cũng được an ủi.
Vậy là A Lăng Đợi quyết định đi, mang theo khao khát cháy bỏng rằng: “Để mọi người ở khắp nơi ai cũng biết, cũng hay về văn hóa Cơ tu mình!”, A L`ăng Đợi nói thế.
Giờ, mỗi ngày mỗi đêm điệu múa Tung tung - Da dá lại vang lên cho mọi người ở khắp nơi cùng thưởng thức, những ché rượu, những khuôn mặt tượng, những rựa rìu, mái lá lại huy hoàng trở lại trong niềm hân hoan của hàng ngàn người mỗi khi tìm đến với văn hóa Cơ tu cùng A lăng Đợi. Người nam tìm đến ông để học đẽo tượng, người nữ tìm đến vợ ông để học đan lát, thêu thùa.
Thời gian qua, ông đã truyền đạt lại nghề điêu khắc cho 10 thanh niên trong thôn và 10 người khác ở huyện Tây Giang (Quảng Nam). Tượng gỗ được người biết tạc ngày một nhiều hơn, thổ cẩm, sản phẩm đan lát Cơ tu được nhiều người biết đến hơn và trở thành mặt hàng lưu niệm nhiều người ưa thích.
Tất nhiên, có những đêm thật sâu, tiếng chiêng trống đã tắt, lửa cũng tàn dần, điệu múa Tung tung - Da dá đã lắng, chỉ có men rượu vẫn mềm môi người uống, A Lăng Đợi lại ra một góc nhà, ngồi lặng lẽ nhìn về phía núi, nơi ấy có làng Gừng ông đã sinh ra và lớn lên. Nhưng trên khuôn mặt ông lại nở nụ cười. Có lẽ ông cười cùng nỗi niềm vui sướng với tổ tiên, với thần Rừng, với những người Cơ tu vì đã không để văn hóa của người mình mai một.
"Nghệ nhân A Lăng Đợi là một trong những nghệ nhân nổi bật của người Cơ tu tại địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương đã đặt hàng hoặc mời ông A Lăng Đợi đến tạc tượng, làm mô hình Gươl. Ông được địa phương lựa chọn đóng vai vị già làng trong những đợt giao lưu, giới thiệu văn hóa Cơ Tu tại nhiều nơi như Hội An, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Đông Giang, Quảng Nam