Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chính sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, từ năm 2011 đến 2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 843 lượt người được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào DTTS qua các năm, gồm nhiều thành phần khác nhau, như: cán bộ trí thức đã nghỉ hưu, thầy cúng, thầy mo, già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ... Giai đoạn 2023 - 2027, theo Quyết định số 412/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 69 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; trong đó có 65 người là dân tộc Sán Dìu, 03 người Cao Lan, 01 người là dân tộc Dao.
Theo đó, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò “đầu tàu” trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn văn hoá truyền thống ở cơ sở. Họ thực sự là cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo), nơi có 95% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều. Là Người có uy tín của thôn, ông Trần Trọng Năm, Trưởng thôn Vĩnh Ninh đã tích cực phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trực tiếp tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của ma túy. Bản thân ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, phân tích cho mọi người thấy được tác hại của ma túy đối với đời sống con người, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, ông đã kịp thời phát hiện và cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội. Nhờ đó, hiện trong thôn không có đối tượng nghiện mới, không xảy ra tệ nạn xã hội, các vụ việc liên quan đến ma túy được kiềm chế tối đa, nhiều hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa ở thôn đã chiếm hơn 90%, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững.
Cũng đang từng ngày cần mẫn góp sức xây dựng quê hương, ông Vi Văn Lộc, người Cao Lan, Người có uy tín thôn Đồng Dong, xã Quang Yên (huyện Sông Lô) là tấm gương sáng để mọi người học tập. Với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông Lộc luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình, bảo đảm môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Trong quá trình xây dựng mô hình Làng văn hoá kiểu mẫu, ông đã chủ động đến từng nhà người dân để làm tốt công tác tuyên truyền. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông Lộc đã thuyết phục được 14 hộ gia đình trong thôn hiến đất để phục vụ xây dựng các công trình an sinh xã hội. Bên cạnh đó, trong nỗ lực giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, ông Lộc đã vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt phát huy tiềm năng sẵn có để quảng bá những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Có thể thấy, trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức thực hiện; trong đó ý kiến người uy tín được quan tâm và đề cao vai trò tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện. Người có uy tín đã tích cực tham gia và vận động Nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở như: thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng các quy ước, hương ước thôn, làng. Bên cạnh đó, người có uy tín còn vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, đoàn kết tôn trọng giúp đỡ nhau, kết quả tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Đánh giá, nhận xét về đội ngũ Người có uy tín, ông Hoàng Anh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là “đầu tàu” trong các phong trào ở cơ sở. Đây cũng là lực lượng quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thành công chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, trước mắt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng DTTS; gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (Tp. Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch).