Y Gõ Niê vốn say mê nhạc cụ truyền thống từ ngày còn nhỏ, mỗi khi trong buôn có lễ hội, ông đều có mặt và say sưa xem đánh chiêng, diễn tấu các loại nhạc cụ. Lớn lên, Y Gõ Niê bắt đầu học cách chế tác nhạc cụ từ ông nội và cha của mình. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, chăm chỉ học hỏi và dành hết thời gian, tâm huyết cho việc chế tác nhạc cụ nên Y Gõ Niê biết chế tác tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê.
Đến bây giờ, Y Gõ Niê cũng không nhớ mình đã chế tác được bao nhiêu nhạc cụ truyền thống. Theo ông, việc chế tác nhạc cụ ngoài niềm đam mê, tâm huyết, còn cần có khả năng về thẩm âm thật chuẩn. Đồng thời phải nắm vững về đặc tính của từng loại nhạc cụ cũng như nguyên liệu, cách chế tác, kiên trì làm từng bước một mới có được nhạc cụ với âm thanh ưng ý.
Nguyên liệu chủ yếu để chế tác nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê thường là ống nứa, quả bầu, sáp ong... Ống nứa phải lấy loại không quá già và cũng không quá non; quả bầu phải là giống bầu truyền thống do bà con trong buôn tự trồng và chọn những quả bầu có độ to, độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên.
Nghệ nhân Y Gõ Niê cho biết, kỹ thuật làm đing năm (một loại sáo) khó và phức tạp, đòi hỏi người nghệ nhân phải biết thổi và có khả năng thẩm âm cao, nên không phải nghệ nhân nào cũng có thể chế tác được nhạc cụ này. Cấu trúc đing năm gồm 6 ống trúc dài, ngắn khác nhau, được xếp thành hai bè, mỗi bè 3 ống. Các ống được cắm xiên qua một nửa quả bầu khô rồi dùng sáp ong rừng dán lại. Khi sáp khô thì khoét các lỗ trên đầu mỗi ống và cắt đầu cuống trái bầu khô làm đầu thổi.
Đồng bào Ê Đê dùng đing năm để thổi theo điệu hát ayray trong các lễ hội của người Ê Đê như: Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa, Lễ mừng lúa mới, nhà mới… Âm thanh của đing năm khi trầm, khi bổng, lúc cao vút, réo rắt dồn dập như mưa nguồn, như thác đổ, thể hiện được chất hoang sơ hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên. Đing năm có âm thanh vang xa nên thường thổi ở ngoài không gian rộng lớn như ở trên rẫy, trong rừng, tại lễ hội; còn đing tắk ta thường được thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức bà con trong buôn dậy đi làm, vì âm thanh rất rộn ràng thôi thúc…
Theo nghệ nhân Y Gõ Niê, một loại nhạc cụ khá phổ biến nữa của người Ê Đê là đàn goong có cấu tạo âm thanh mô phỏng theo âm thanh của dàn chiêng. Đây là loại nhạc cụ khá đơn giản trong kỹ thuật chế tác, nhưng lại đòi hỏi người nghệ nhân phải có trình độ thẩm âm cao và thật chuẩn về tiếng chiêng. Goong gồm một ống nứa dài từ 60 - 80 cm, một đầu có những thanh tre xuyên qua ống nứa làm tay để mắc dây và lên dây, còn đầu kia buộc vào lỗ dùi trên ống nứa. Bụng của ống đàn được khoét lỗ hình chữ nhật rộng từ 2 - 3 cm, dài từ 10 - 14 cm.
Khi sử dụng, người ta đặt đàn lên sàn nhà, đầu có dùi lỗ quay về phía người sử dụng, đầu có tay đàn được đặt trên một cái thùng gỗ, hay vỏ bầu khô để tạo sự cộng hưởng cho âm thanh vang xa. Goong là nhạc cụ do nam giới sử dụng, thường để diễn lại những bài của cồng chiêng bằng hình thức độc tấu, đôi khi cũng sử dụng để đệm hát vào các dịp lễ hội và gửi gắm tâm tình của các đôi trai gái tìm đến nhau.
Với đôi tay khéo léo và khả năng thẩm âm rất chuẩn nên những nhạc cụ do nghệ nhân Y Gõ Niê chế tác đều có âm thanh rất chuẩn với các cung bậc trầm bổng mê hoặc người nghe.
Hiện nay nghệ nhân Y Gõ Niê không chỉ đam mê chế tác và chơi các loại nhạc cụ, mà ông còn dành tâm huyết và thời gian để truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho lớp trẻ trong buôn, với hy vọng lớp trẻ sẽ kế thừa, bảo tồn, phát huy bản sắc độc đáo của các loại nhạc cụ truyền thống Ê Đê.