Đam mê chế tác nhạc cụ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là thợ xây chùa Khmer nên từ nhỏ, cậu bé Lâm Phen đã theo cha đi xây chùa khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vốn yêu thích đàn ca, nên đi tới phum, sóc nào, Lâm Phen cũng để tâm tìm hiểu các loại nhạc cụ, những bản dân ca, dân vũ cũng như nghệ thuật xây dựng, kiến trúc chùa Khmer truyền thống của dân tộc mình.
Đặc biệt là 3 năm trong quân ngũ, những lúc rảnh rỗi, anh bộ đội Lâm Phen thường sang nhà một nghệ nhân gần đơn vị để học nghề làm nhạc cụ. Ban đầu chỉ là học cho biết, dần dà trở nên đam mê không dứt ra được và ông đã quyết tâm theo đuổi nghề làm đàn từ thủa đó.
Sau khi xuất ngũ trở về quê hương Trà Vinh, ông chọn lập nghiệp, mưu sinh bằng nghề thợ mộc và làm các loại nhạc cụ như dàn ngũ âm, đàn gáo, đàn cò, trống tay và đàn tà khê… Từ năm 1991, những loại nhạc cụ do ông Lâm Phen sản xuất bắt đầu có thương hiệu khắp tỉnh Trà Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong số những loại nhạc cụ truyền thống do ông Lâm Phen chế tác, nổi tiếng nhất là dàn nhạc ngũ âm gồm 7 loại nhạc cụ khác nhau và có 5 âm sắc phát ra từ 5 chất liệu: Sắt, da, đồng, gỗ, hơi (kèn). Trong cộng đồng người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, những nghệ nhân có khả năng chế tác được loại nhạc cụ này hiện chỉ còn vài ba người, trong đó nổi danh hơn chính là NNƯT Lâm Phen.
Tâm huyết bảo tồn văn hóa truyền thống
Ngoài tâm huyết với công việc chế tác các loại nhạc cụ kể trên, NNƯT Lâm Phen còn đam mê làm mão (mũ) và mặt nạ, là phục trang phục vụ trong nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer Nam bộ. Ông cho biết, trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer như rô băm, dù kê thì mão và mặt nạ là 2 loại phục trang đặc biệt quan trọng, mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, thể hiện đậm chất văn hóa truyền thống của người Khmer.
Sản phẩm mão và mặt nạ do NNƯT Lâm Phen chế tác rất công phu, tỉ mỉ với đường nét, màu sắc tinh tế, sắc sảo, tạo được ấn tượng sâu đậm về tính cách của từng nhân vật thiện, ác khác nhau.
Nói về công việc chế tác mão, mặt nạ ông cho biết, trước đây các nghệ nhân phải mất nhiều công sức, thời gian để tìm nguyên vật liệu cũng như thực hiện các công đoạn chế tác. Nhưng ngày nay thì khác, việc chế tác mão, mặt nạ đã đơn giản hơn nhiều, bởi vì nghệ nhân đã dùng keo dán, sơn công nghiệp và một số công đoạn được cải tiến, giấy tốt hơn, ít thấm nước, độ bền cao.
Mão, mặt nạ thể hiện tính cách của từng nhân vật, do đó màu sắc và đặc điểm của từng sản phẩm cũng phải khác nhau. Trước đây, các nghệ nhân tự sáng tạo màu sắc từ các loại cây trái trong thiên nhiên, nhưng hiện nay họ đều dùng màu vẽ công nghiệp. Tuy nhiên để sử dụng hiệu quả, người nghệ nhân phải có kiến thức am hiểu về hội họa mới có thể pha chế, phối trộn cho ra màu phù hợp.
Khi Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được xây dựng, đi vào hoạt động năm 1997, ông Lâm Phen được mời tham gia chế tác, phục chế nhiều hiện vật gắn với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người Khmer (Trà Vinh) như nhà sàn, nhà Tha La, nhà thờ ông Tà, các loại nông, ngư cụ, nhạc cụ, trang phục, mão, mặt nạ… Đặc biệt, ông đã phục chế thành công mô hình nhà chính điện của chùa Khmer, một công trình hội đủ các yếu tố độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc truyền thống của người Khmer Nam bộ.
Ngoài ra, ông còn lặn lội đến nhiều phum, sóc trong cộng đồng người Khmer ở Nam bộ để sưu tầm, bảo tồn những làn điệu dân ca, những bài hát trong đám cưới truyền thống và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông còn sáng lập ra đội trống sa dăm của xã Lương Hòa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Khmer ở địa phương. Nhờ sự tâm huyết dẫn dắt truyền nghề của NNƯT Lâm Phen, hiện nay những người con của ông đều thạo nghề chế tác nhạc cụ, phục trang (mão, mặt nạ) của người Khmer Nam bộ.