Nhiều địa phương kêu khó giải ngân
Dẫn đầu trong danh sách những địa phương có nhiều khó khăn khi thực hiện các Chương trình MTQG, là các huyện biên giới như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông...
Trước hết, đây là địa bàn biên giới cách xa trung tâm thành phố với địa hình chủ yếu là đồi núi cao; hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là các đợt lũ lụt, lốc xoáy…, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống Nhân dân và hệ thống hạ tầng cơ sở, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như kế hoạch hằng năm đã được các cấp phê duyệt.
Mặt khác, việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập. Một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần triển khai còn rất chậm như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề, đất sản xuất, sắp xếp dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, đào tạo nghề…
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng phân trần: Những khó khăn, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng vốn giao hằng năm lớn, tỷ lệ giải ngân thấp, khó giải ngân, các chỉ tiêu kế hoạch giao trong giai đoạn và hằng năm không đạt được.
Thực tế là, đang có việc phân bổ vốn áp dụng theo tiêu chí tính điểm dẫn đến nhiều dự án được phân bổ vốn rất lớn, nhưng không sử dụng hết. Trong khi nhiều dự án cần nhiều vốn để thực hiện có hiệu quả, thì vốn phân bổ ít như: Dự án hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, đào tạo nghề hằng năm vốn cấp rất lớn, song thực tế việc giải ngân rất thấp; trong khi đó, các dự án như, duy tu bảo dưỡng các công trình đặc biệt sau mưa lũ, dự án hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa cần nhiều kinh phí để thực hiện nhưng thực tế phân bổ ít.
Một dẫn chứng không thể thuyết phục hơn là trong năm 2023 vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển đã có hàng loạt bài viết phản ánh thực trạng hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp tại các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương… đã phải chuyển trả vì không thể giải ngân.
Hiện tại, các huyện vùng miền núi, nhất là các huyện giáp biên còn có nhiều khó khăn; đang cần nguồn lực lớn để phát triển toàn diện nhằm đạt được mục tiêu chung của toàn tỉnh được Trung ương giao tại Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì lẽ đó, việc thí điểm phân cấp cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG - Ưu tiên địa bàn nhiều vướng mắc, để có thể “tự quyết”, sẽ là động lực rất lớn cho các địa phương trong thực hiện các Chương trình MTQG.
Không quá 2 huyện thực hiện thí điểm
Theo điểm a, khoản 7, điều 4, Nghị quyết 111/2024/NQ15, thì: HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. UBND cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng Chương trình MTQG cho huyện được lựa chọn thí điểm.
Căn cứ theo nội dung này, ngày 25/3/2024, huyện Kỳ Sơn có công văn 377/UBND-DT về việc đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG.
Trên cơ sở đề xuất của huyện Kỳ Sơn, trên cơ sở tình hình chung của tỉnh; cũng như căn cứ theo điểm a, khoản 7, điều 4, Nghị quyết 111/2024/NQ15; UBND tỉnh Nghệ An đã họp, thông qua phương án đề xuất 2 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong làm thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG.
Hiện tại, việc tham vấn ý kiến các sở, ban, ngành và các huyện về nội dung này đã được thực hiện xong. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, thì quan trọng nhất vẫn là phải chờ HĐND tỉnh họp, thông qua nghị quyết làm căn cứ thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng nhấn mạnh: Nếu HĐND tỉnh thông qua chủ trương này, thì sẽ tạo cho huyện sự chủ động cao, tính tự quyết cao trong thực hiện đầu tư, xây dựng, triển khai các dự án của các Chương trình MTQG; từ đó sẽ góp phần tăng tỉ lệ giải ngân, tăng thời gian đẩy nhanh tiến độ các dự án được phê duyệt…
Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ cũng cho rằng: Chủ trương này được HĐND tỉnh thông qua, sẽ là bàn đạp quan trọng về giải quyết nguồn vốn, về tính “tự quyết”, chủ động trong sử dụng nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án thuộc các Chương trình MTQG. Khi được giao quyền chủ động, chắc chắn địa phương sẽ tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG hiệu quả hơn, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cao hơn…
Qua trao đổi, các địa phương cũng thể hiện ý kiến, khi đã được HĐND tỉnh thông qua; UBND tỉnh và các sở, ngành cần nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn giúp địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả việc thí điểm phân cấp cấp huyện trong quản lý, thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn.
Trong cuộc làm việc của Đoàn công tác của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr cùng lãnh đạo các vụ thuộc Ủy ban Dân tộc với UBND tỉnh Nghệ An mới đây, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nhìn nhận: Nhiều huyện miền núi đang có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp, nhiều dự án khó giải ngân do hết đối tượng, hoặc thiếu điều kiện để giải ngân… Khi triển khai thí điểm phân cấp, thì sẽ khắc phục được các nhược điểm này. Tin tưởng rằng, thời gian tới, tỷ lệ giải ngân sẽ cao hơn.