Theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp, sống cùng người dân, học cùng các bạn DTTS tại chỗ, anh Bộ hiểu phong tục, tính cách mộc mạc gần gũi của con người nơi đây.
Tốt nghiệp trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, anh Bộ về huyện Đắk Glong công tác, anh có nhiều cơ hội đi đến các bon làng, tiếp xúc nhiều hơn với lối sống và văn hóa của các dân tộc tại chỗ như Mnông, Mạ, Ê Đê…
Anh Bộ chia sẻ: Mình nhận ra rằng người dân tộc tại chỗ Tây Nguyên có lối sống rất giản dị, họ chất phát, thật thà và đời sống văn hóa rất phong phú. Càng đi sâu tìm hiểu mình biết được rằng các vật dụng của họ đều gắn liền với phong tục, tập quán, quan niệm suy nghĩ về thế giới tự nhiên, thế giới tâm linh. Tuy nhiên, những nét đẹp đó dần mai một, nhiều người ở xa đến các bon làng mua hiện vật văn hóa đưa đi khỏi Tây Nguyên nên mình muốn mua để giữ lại. Mục đích mình sưu tầm để lưu giữ chứ không phải để kinh doanh.
Mỗi khi đi công tác, biết người dân có ý định bán hiện vật, anh Bộ đều vận động bà con giữ lại cho thế hệ con cháu. Nếu trong trường hợp không thể, không muốn giữ nữa thì gọi để anh mua để giữ hiện vật ở lại vùng đất Tây Nguyên.
Suốt hành trình 10 năm sưu tầm, đến nay Thiếu tá Đinh Văn Bộ đã sở hữu hàng nghìn hiện vật từ những bộ cồng chiêng cổ, chóe quý đến những vật dụng sinh hoạt, sản xuất truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi hiện vật đều mang câu chuyện văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Anh bố trí ngôi nhà cũ làm không gian trưng bày, sắp xếp các hiện vật, các bộ cồng chiêng anh xếp thành hình chữ S theo hình bản đồ Việt Nam; chóe anh xếp trên kệ, mặt sàn nhà; còn dụng cụ sinh hoạt, trang phục truyền thống, gùi… anh xếp riêng theo tùng nhóm.
Say mê sưu tầm hiện vật, anh càng am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc Tây Nguyên. Anh hiểu được từng hiện vật gắn với phong tục tập quán, gắn với nghi lễ vòng đời, sử dụng trong từng dịp lễ hội, nghi lễ.
Một số hình ảnh khác trong bộ sưu tập