Cầu nối cho người lầm lỡ hoà nhập
Xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu (Sơn La) có 8,25 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Đây từng là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự; toàn xã có tới 239 người nghiện ma túy, 202 đối tượng mãn hạn tù trở về, 34 đối tượng tù hưởng án treo, 13 đối tượng cải tạo không giam giữ, hơn 100 người đang chấp hành án phạt tù về các tội liên quan đến ma túy.
Để góp phần cùng với cơ quan chức năng giữ gìn an ninh trật tự, năm 2012, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng”. Từ khi được thành lập, CLB đã giúp gần 100 lượt người lầm lỡ có hoàn cảnh khó khăn, vay vốn từ quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; xây dựng 8 nhà Đại đoàn kết, trị giá 472 triệu đồng; hỗ trợ 430 cây giống, 8 con bò; gần 15 triệu tiền mặt và 512 công lao động làm nhà... Nhờ đó, 353 người từng lầm lỡ đã vươn lên thoát nghèo, trong đó nhiều gia đình có mức sống khá giả.
Tiêu biểu như anh S.A.N, dân tộc Mông, ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn vốn ham chơi sa vào nghiện hút. Nhờ được Người có uy tín cùng hội phụ nữ cảm hóa, anh đã cai nghiện tại nhà thành công.
Vợ chồng anh còn được hội phụ nữ tạo điều kiện, cho vay hơn 10 triệu đồng trồng chanh leo. Nhờ vậy, đến nay gia đình anh có hơn 1 ha chanh leo, thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm từ loại cây ăn quả này.
Cũng như xã Chiềng Sơn ở tỉnh Sơn La, ở các địa phương khác, phụ nữ cũng đã tích cực tham gia các mô hình phòng chống tệ nạn xã hội. Như ở Vĩnh Phúc, theo bà Cao Thị Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp hội chú trọng nhân rộng mô hình về phòng, chống tội phạm.
Trong đó, phải kể đến 99 CLB phòng chống tội phạm, TNXH; 54 CLB “Phụ nữ với pháp luật”; 357 tổ phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật. Thông qua hoạt động của các mô hình này, đã giúp hội viên phụ nữ có thêm nhiều kiến thức về pháp luật, quản lý, giáo dục người thân tránh xa TNXH, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Nhân rộng mô hình
Chia sẻ về vấn đề phụ nữ tham gia phòng chống tội phạm, tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết liên tịch giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an mới đây, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công An cho biết: Từ 2018 đến hết 2020, Cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý 5.286 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người... trong đó nhiều tin báo, tố giác tội phạm do cán bộ hội viên phụ nữ cung cấp. Lực lượng chức năng đã giải quyết 5.070 tin (đạt tỷ lệ 95,91%); điều tra, khởi tố 4205 vụ/4069 bị can xâm hại trẻ em; 45 vụ/34 bị can liên quan bạo lực gia đình; 283 vụ/448 bị can phạm tội mua bán người.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong việc phối hợp với lực lượng công an đấu tranh phòng ngừa tội phạm, nhất là mô hình “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”. Đây là mô hình hay cần phát huy trong thời gian tới.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ở góc độ gia đình, phụ nữ luôn có vai trò rất lớn trong bảo vệ các thành viên, trước sự tấn công của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Do đó, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đổi mới về nội dung, hình thức triển khai các hoạt động phòng ngừa tội phạm. Qua đó, giúp các đối tượng có nguy cơ phạm tội chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, thời gian tới, Hội sẽ quan tâm lựa chọn vấn đề ưu tiên, sát thực với tình hình của từng địa bàn, từng cấp. Cụ thể như, khu vực Tây Nam Bộ sẽ tập trung xử lý các vấn đề xâm hại trẻ em, kết hôn với người nước ngoài, với mục đích không trong sáng. Miền núi phía Bắc, là vấn đề làm sao để con em không vướng vào tệ nạn ma túy…