Đó chính là lời ca trong bài hát “K'Bing ơi em hãy về” do Krajan Plin sáng tác vào năm 2004. Buông cây đàn guitar, ông trải lòng: Năm đó, Krajan Plin cùng cố Nghệ sĩ, nghệ nhân Y Thim Byă đến thăm một gia đình người dân tộc Ê Đê ở TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù đón khách và ngồi uống rượu cần, nhưng vẻ mặt của người đàn ông chủ nhà này với nét mặt trầm ngâm, như đang suy nghĩ về một điều gì đó mà không chú ý đến khách.
Krajan Plin ghé tai hỏi nhỏ Nghệ sĩ Y Thim Byă “Vợ nó đâu mà không thấy”. Y Thim Byă giải thích: “Vợ nó bỏ nhà đi mấy hôm rồi mà chưa thấy về nên nó buồn lắm”. Trong khoảnh khắc đầy xúc cảm ấy, Krajan Plin viết vội vào bản thảo về những gì mình cảm nhận được trong ngôi nhà sàn này, đồng thời liên tưởng đến một mỹ nữ trong sử thi của người Cơ Ho tên là “K’Bing”, Krajan Plin đã sáng tác nên ca khúc để đời “K'Bing ơi em hãy về”.
Mỗi một ca khúc, bài thơ do mình sáng tác, Nghệ sĩ Krajan Plin nhớ rõ từng chi tiết, hoàn cảnh cụ thể ra đời những đứa con tinh thần của mình. Đó là những câu chuyện tình, hay một sự việc trong cuộc sống mà anh từng gặp, từng trải qua, hay một triết lý, chiêm nghiệm trong cuộc đời và con người về vùng đất Tây Nguyên. Đa phần những tác phẩm của Krajan Plin rất chân thực, sinh động, rất gần gũi, thân thương, một cái nhìn rất hồn hậu, dễ mến và giàu hình tượng; khi khán thính giả nghe đều cảm nhận được đó là do người “Tây Nguyên” sáng tác.
Nghệ sĩ Krajan Plin thể hiện ca khúc “K'Bing ơi em hãy về” trong ngôi nhà sàn dưới chân núi Lang BiangTrong quá trình sáng tác của mình, Krajan Plin đã viết nên nhiều ca khúc và có những ca khúc có sức lan tỏa rộng như: “Lang Biang S’ning”, “Giữ ấm bếp hồng”, “K'Bing ơi em hãy về”… được nhiều ca sĩ tên tuổi như: Siu Black, Bonner Trinh, Cil Pơi, Krajan Sik, Krajan Dick… thể hiện và đạt giải cao trong các cuộc thi dân ca toàn quốc hay tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh…
Không chỉ sáng tác, anh Krajan Plin được biết đến là một người rất nặng lòng với văn hóa nguồn cội, nhất là văn hóa của người Cơ Ho. Gần cả cuộc đời của mình, anh luôn rong ruổi, tìm kiếm và góp nhặt những bài ca dao, dân ca, câu tục ngữ, truyện kể của các DTTS gốc Tây Nguyên. Theo tâm niệm của Krajan Plin, mình làm được gì có ích cho buôn làng, cho vùng đất bazan này thì mình phải cố gắng hết sức, vì đó là lẽ sống, là sở thích, niềm đam mê và trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.
Nhớ những ngày đầu vào năm 1995, khi thành lập Câu lạc bộ “Những người bạn Langbiang”, Nghệ sĩ Krajan Plin không khỏi tự hào phấn chấn kể: “Ngày đó dưới chân núi Lang Biang này, ít được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng lắm, thỉnh thoảng có một vài nghệ nhân biết đánh một vài bài để giải khuây, hay cúng thần linh, nhất là giới trẻ không mặn mà lắm với văn hóa của cha ông mình. Từ đó, tôi đứng ra cùng một số người tâm huyết thành lập câu lạc bộ này và tồn tại đến ngày hôm nay. Giờ ở dưới chân núi thiêng này có hơn chục đội, nhóm cồng chiêng hoạt động, không chỉ du khách trong nước mà nhiều du khách quốc tế biết tới. Đó cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con mình nơi đây”.
Nghệ sĩ Krajan Plin luôn chăm chút và hướng dẫn thế hệ trẻ hướng về cội nguồn
Mình làm được gì có ích cho buôn làng, cho vùng đất bazan này thì mình phải cố gắng hết sức, vì đó là lẽ sống, là sở thích, niềm đam mê và trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng”.
Cả một chặng đường dài gắn bó máu thịt, trách nhiệm với con người, cộng đồng và vùng đất dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, Nghệ sĩ, già làng Krajan Plin luôn ý thức “…Như ta lang thang, vách suối theo ghềnh, thác. Ôi mong sao tìm lại bóng dáng xưa nguồn cội…” - ca khúc “Lang Biang S’ning”. Krajan Plin luôn đau đáu, đi tìm lẽ sống cho mình.